Mỹ và Canada đã đạt được thỏa thuận thương mại vào phút cuối và chỉ xuất hiện một số nhượng bộ nhỏ. Liệu đây có phải là phiên bản giải quyết căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc?
Tối 30/9 (theo giờ địa phương), Mỹ và Canada đã chính thức đạt được thỏa thuận sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau một thời gian dài đàm phán.
Trước đó, Mỹ và Mexico cũng đạt được thỏa thuận tương tự và thời hạn chót được phía Mỹ đặt ra với trường hợp của Canada là cuối tháng 9/2018. NAFTA sửa đổi dự kiến được tổng thống ba nước Mỹ, Canada và Mexico ký ban hành trong vòng 60 ngày.
Tuy Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể thực hiện được cam kết thông qua NAFTA sửa đổi để giảm mạnh thâm hụt thương mại với Canada và Mexico, mang việc làm về cho nước Mỹ, nhưng việc ký kết thỏa thuận mới với Canada cho thấy ông chủ Nhà Trắng là người rất thực tế.
Thứ nhất, người dân hai nước có quan hệ qua lại rất chặt chẽ, nếu cố tình phá vỡ e rằng sẽ "đắc tội" với cử tri.
Thứ hai, trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 tới, ông Donald Trump cần có một số thành tích chính trị để lôi kéo phiếu bầu cho đảng Cộng hòa, đảm bảo đảng Cộng hòa giành được đa số ghế tại Thượng viện, tránh khả năng bị Quốc hội luận tội.
Xem xét kỹ chiến thuật đàm phán thương mại của Trump có thể thấy ban đầu đưa ra điều kiện không thể chấp nhận được để đối phương mặc cả. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang liên tục, những điều kiện mà phía Mỹ đưa ra cho Trung Quốc hiện nay cũng theo mô típ tương tự. Nhưng liệu rằng hai nước có thể đạt được đột phá tương tự như trường hợp Mỹ-Canada hay không?
Theo tờ Economic Journal ngày 2/10, câu trả lời e rằng là không thể.
Một là, thái độ của người dân Mỹ đối với Trung Quốc khác một trời một vực so với những gì dành cho Canada.
[Canada-Mỹ đạt tiến triển nhằm tiến tới một thỏa thuận NAFTA mới]
Kết quả điều tra dân ý của Viện Gallup cho thấy 92% người dân Mỹ có tình cảm tốt với Canada, chỉ có 6% là phản cảm với Canada và Canada là nước mà người dân Mỹ có tình cảm tốt đẹp nhất. Trong khi đó, chỉ có 42% người dân Mỹ có tình cảm tốt với Trung Quốc, còn tỉ lệ phản cảm lên tới 55% và Trung Quốc xếp thứ 10 từ dưới lên về mức độ tình cảm mà người dân Mỹ dành cho trong số 22 quốc gia được điều tra.
Do vậy, việc chính quyền Trump cứng rắn với Trung Quốc không phương hại nhiều tới tình cảm của người dân Mỹ, ngược lại còn có lợi trong việc chiếm cảm tình của người dân lẫn lôi kéo phiếu bầu. Cho nên, Trump gần như không có kiêng kị gì khi “kề dao vào cổ Trung Quốc."
Hai là, Canada thuộc hàng ngũ các nước dân chủ, càng không đe dọa tới địa vị bá quyền của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc thực hiện chế độ chính trị không giống Mỹ, ngày càng đuổi sát Mỹ về tổng lượng kinh tế và thách thức sức ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.
Tâm lý lo lắng Trung Quốc thách thức địa vị của Mỹ hiện đã trở nên phổ biến ở nước này. Phe cứng rắn chủ đạo chính sách đối với Trung Quốc ở Nhà Trắng cho rằng cần phải tận dụng thời cơ Trung Quốc chưa đủ lông đủ cánh, sớm thực hiện biện pháp kiềm chế, tấn công, cho dù Mỹ có phải trả giá nhất định cũng phải làm nếu không sẽ quá muộn, không thể lật ngược được tình thế.
Với tư duy nêu trên, chiến tranh thương mại chỉ là một khâu trong chiến lược kiềm chế toàn diện Trung Quốc. Có bình luận cho rằng Mỹ mượn chiến tranh thương mại để phá hoại chuỗi cung ứng cho ngành chế tạo mà Trung Quốc đã dày công xây dựng trong hơn 30 năm, gây tổn hại tới sự nghiệp phát triển kinh tế lâu dài của Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ không dừng ở lĩnh vực thương mại, trở thành một bộ phận trong cuộc đấu tranh lâu dài giữa hai nước. Cho nên, việc hy vọng chính quyền Trump thực hiện hòa giải thương mại theo phiên bản Canada rất có thể chỉ là “chuyện tình đơn phương.” Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong cuộc họp báo ngày 1/10 của ông Trump.
Theo tờ Đa chiều ngày 2/10, cuộc họp báo này diễn ra tại Nhà Trắng. Sau khi ca ngợi thỏa thuận thương mại đạt được với Canada và Mexico, Trump lại đề cập tới Trung Quốc. Theo ông Trump, Trung Quốc rất muốn đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng hiệu nay còn quá sớm để nói tới chuyện này. Nguyên nhân là do Trung Quốc vẫn chưa chuẩn bị tốt và nếu vì chính trị mà thúc đẩy đàm phán quá nhanh sẽ không thể đạt được thỏa thuận mà người lao động Mỹ cũng như nước Mỹ đáng được hưởng.
Bên cạnh đó, khó khăn mà Trung Quốc đang phải đối mặt sẽ ngày một lớn và Mỹ không muốn Trung Quốc vượt qua cửa ải khó khăn này./.