Trung Quốc liệu có thể ứng phó với chính sách mới của Mỹ?

Theo chuyên gia, Trung Quốc là nguồn tăng trưởng không thể thiếu của kinh tế toàn cầu, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tách họ khỏi Mỹ hay nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ làm tổn thương mọi quốc gia, kể cả Mỹ.
Trung Quốc liệu có thể ứng phó với chính sách mới của Mỹ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Jakarta Globe số ra mới đây đăng bài phân tích của tác giả Fu Ying với tựa đề "Liệu Trung Quốc có thể ứng phó với chính sách mới của Mỹ?" nội dung như sau:

Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, nhiều người Mỹ đã nói với tôi rằng thái độ của họ đối với Trung Quốc đã thay đổi, và hiện tượng này chiếm đa số trong dân chúng Mỹ cũng như các chính trị gia, các doanh nhân và giới học giả.

Mỹ đã thất vọng vì không thể lái Trung Quốc đi theo quỹ đạo của mình, mặc dù họ đã đưa nước này vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và giúp nền kinh tế Trung Quốc "cất cánh" trong nhiều năm.

Thay vào đó, Trung Quốc đã "gạt bỏ" Mỹ bằng cách lợi dụng Mỹ trong thương mại và kinh doanh.

Nhiều người Mỹ lo ngại trước việc Trung Quốc nhanh chóng vươn lên thành siêu cường kinh tế và công nghệ toàn cầu và quân đội Trung Quốc cũng đang đe dọa trực tiếp lợi ích của Mỹ ở châu Á.

Mặc dù thái độ có thể đã thay đổi, tôi không tin họ đã có đường lối nhất quán. Xét từ lịch sử nước Mỹ, các chiến lược lớn thường được định hình thông qua thử thách và sai lầm để đối phó với những thách thức cụ thể.

Bất kỳ sự điều chỉnh nào của Mỹ đối với Trung Quốc do đó sẽ mất thời gian. Điều này cũng có nghĩa là kết quả cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng bởi cách hai nước hành động và phản ứng trong những năm tới.

Trong việc đánh giá các bước tiếp theo, người Trung Quốc trước hết phải hỏi liệu những lời chỉ trích của Mỹ có công bằng hay không? Đúng là tăng trưởng kinh tế đã không tạo ra ở Trung Quốc một hệ thống chính trị giống như của Mỹ.

Thật thú vị, tôi nhớ lại việc tham dự một chương trình của chính phủ Mỹ vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước được thiết kế cho các nhà ngoại giao từ các nước đang phát triển, với chủ đề chiến lược an ninh của Mỹ và hoạch định chính sách.

Tôi đã đặt câu hỏi: Mục tiêu chiến lược của Mỹ cho thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là gì?

Câu trả lời không rõ ràng: để thúc đẩy dân chủ theo phong cách Mỹ và nhân quyền trên toàn thế giới. Và quả thực, Mỹ đã theo đuổi những mục tiêu đó một cách nhất quán trong hai thập kỷ qua với chi phí rất lớn.

Trung Quốc không phải là thất bại duy nhất của Mỹ. Trên thực tế, những gì đã xảy ra với một số quốc gia kể từ "cuộc cách mạng sắc màu" và "Mùa xuân Arab," Mỹ nên biết ơn vì những nỗ lực của họ đã không đưa Trung Quốc vào tình trạng hỗn loạn chính trị và kinh tế.

Thực tế, việc Trung Quốc duy trì ổn định xã hội và chính trị theo con đường riêng của họ đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thay vì tiêu hao tài chính của Mỹ theo cách mà các nỗ lực tái thiết ở Iraq và Afghanistan, Trung Quốc đã đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng của Mỹ.

Đúng, vận may của Trung Quốc cũng tăng lên. Tận dụng lợi thế toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi Mỹ và châu Âu, người Trung Quốc chăm chỉ tiếp cận vốn, công nghệ, chuyên môn và thị trường, tất cả đều tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp.

Hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói và mức sống của người dân nước này đã tăng lên đáng kể.

Trung Quốc liệu có thể ứng phó với chính sách mới của Mỹ? ảnh 2Vận chuyển hàng hóa tại Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 16/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, quan trọng là phải nhớ 2 điều:

Thứ nhất, công nhân Trung Quốc trả giá cao cho những phát triển này, giống như công nhân Mỹ đã làm.

Sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Trung Quốc đột nhiên bị ném vào cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp toàn cầu. Nhiều người trong số họ đã không thể sống sót, dẫn đến sa thải rất lớn trên toàn quốc.

Đồng thời, hơn 2.000 luật và quy định ở cấp quốc gia và khoảng 190.000 luật ở cấp địa phương đã phải sửa đổi hoặc bãi bỏ gây ra sự xáo trộn lớn trong xã hội.

[EC: Bất đồng thương mại Mỹ-Trung Quốc đang cao hơn bao giờ hết]

Thứ hai, lợi ích của Trung Quốc cũng đã mang lại lợi ích cho Mỹ. Theo tổ chức kinh tế Oxford, thương mại Mỹ-Trung giúp mỗi gia đình người Mỹ tiết kiệm 850 USD mỗi năm.

Từ năm 2001 đến 2016, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần. Sự ra đời của Internet, công nghệ số và sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra tầng lớp trung lưu đông đảo ở Trung Quốc và số này sẽ cung cấp nhiều cơ hội hơn cho các công ty Mỹ.

Trung Quốc không chỉ là một phần không thể tách rời mà còn là nguồn tăng trưởng không thể thiếu của kinh tế toàn cầu. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm "tách rời" họ khỏi Mỹ hay nền kinh tế toàn cầu sẽ làm tổn thương tất cả các quốc gia, kể cả Mỹ.

Vậy Trung Quốc nên phản ứng như thế nào?

Người Trung Quốc phải giữ bình tĩnh khi đối mặt với những thông điệp khó hiểu từ phía Mỹ. Chúng ta phải tập trung vào sự phát triển của Trung Quốc và vượt qua những khó khăn của chính chúng ta. Trung Quốc không áp dụng lập trường đối đầu với Mỹ.

Thái độ hiện tại của Trung Quốc là một phần của chính sách đối ngoại chung, nhằm đảm bảo một môi trường hợp tác hiệu quả với thế giới bên ngoài để phục vụ các mục tiêu phát triển của Trung Quốc. Vì mục đích này, có nhiều lý do để Trung Quốc duy trì thái độ "hợp tác xây dựng" với Mỹ.

Thực tế, những thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung có thể giúp thúc đẩy các cải cách của chính Trung Quốc.

Một số yêu cầu được các công ty Mỹ đưa ra, chẳng hạn như tăng cường tiếp cận thị trường, phù hợp với các khuyến nghị từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Chính phủ trên thực tế đã có nhiều cởi mở: 8 trong số 11 biện pháp mở cửa thị trường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố hồi tháng Tư vừa qua bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, xếp hạng tín dụng, điều tra tín dụng và thanh toán...

Chính phủ Trung Quốc cũng đang làm việc chăm chỉ hơn để cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài.

Các nhà cải cách Trung Quốc có thể biến áp lực bên ngoài thành lợi thế của họ, sử dụng nó để vượt qua sức đề kháng nội bộ với những thay đổi cần thiết.

Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn: người dân Trung Quốc sẽ đứng vững trước cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Có một số ý kiến cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ bị "trượt dốc" vì cuộc chiến thương mại, thậm chí một số còn cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sớm lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đây là những suy nghĩ nông cạn.

Kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình suy giảm, điều này là thực tế. Tuy nhiên, nó là một cái giá đáng để trả nhằm duy trì sự phát triển lành mạnh.

Điều đáng ghi nhớ là Trung Quốc đã thông qua một chương trình kích thích để giúp vượt qua cuộc suy thoái toàn cầu do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Mỹ gây ra.

Trung Quốc liệu có thể ứng phó với chính sách mới của Mỹ? ảnh 3Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ống thép ở Sơn Đông, Trung Quốc ngày 31/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Và cần lưu ý rằng chiến tranh thương mại có thể làm chậm quá trình cần thiết của việc giảm tốc. Việc kéo dài cuộc chiến thương mại này sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào, mà sẽ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, trong các lĩnh vực liên quan lẫn nhau, từ biến đổi khí hậu tới tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, vấn đề không phổ biến hạt nhân...

Đây cũng là lý do tại sao Trung Quốc nên tiếp tục đối thoại với Mỹ. Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng nguyên nhân gốc rễ của những rắc rối nằm trong lòng nước Mỹ và do đó cần phải được giải quyết bởi chính người Mỹ.

[Trung Quốc sẽ cắt giảm 1/3 số giấy tờ cần thiết cho xuất nhập khẩu]

Chúng ta có thể thấy rằng hệ thống chính trị Mỹ đòi hỏi một sự sửa chữa lớn để vượt qua sự chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội. Nhưng điều đó không làm cho Trung Quốc có trách nhiệm tham gia vào đối thoại để tìm kiếm các giải pháp hoặc ít nhất là để giải quyết các tranh chấp dai dẳng.

Cách tiếp cận như vậy sẽ không hấp dẫn với những người tìm kiếm sự đối đầu ngay bây giờ và trong lúc các cường quốc kinh tế thế giới mâu thuẫn nhau sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.