Mỹ trừng phạt một tập đoàn điện tử giúp đỡ Hezbollah

Ngày 10/7, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với Stars Group Holding của Liban vì cho rằng công ty này đã bí mật mua các bộ phận chế tạo máy bay không người lái cho Hezbollah.
Các thành viên Hezbollah. (Nguồn: online.wsj.com)

Ngày 10/7, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với một công ty điện tử tiêu dùng của Liban mà Washington cho là đã bí mật mua các bộ phận chế tạo máy bay không người lái cho phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah, một tổ chức bị liệt vào danh sách khủng bố của Mỹ.

Trong thông báo, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã liệt Stars Group Holding (có trụ sở tại Beirut) cùng 6 công ty con và lãnh đạo của công ty này vào danh sách đen.

Năm cá nhân bị áp lệnh trừng phạt của Washington gồm Kamel Mohamad Amhaz và Issam Mohamad Amhaz (cùng là giám đốc điều hành của Stars Group Holding), Ayman Ibrahim và Ali Zeaiter (hai nhà quản lý của Stars Group Holding) và Hanna Elias Khalifeh, một doanh nhân Liban đồng thời là thành viên của Hezbollah chịu trách nhiệm hợp tác với công ty trên.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Stars Group Holding đã mua các thiết bị điện tử và công nghệ khác thông qua những văn phòng đại diện ở Trung Quốc và Dubai để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Hezbollah ở Syria, cũng như hoạt động do thám Israel. Trong số những thiết bị này có các động cơ, hệ thống liên lạc, điện tử và thiết bị định vị mua từ các nhà cung cấp ở Mỹ, Canada, châu Âu và châu Á.

Các cá nhân và thực thể này đã sử dụng các giấy tờ giả, các hóa đơn vận chuyển hàng không giả và nhiều thủ đoạn lừa dối tinh vi khác để qua mặt các biện pháp kiểm tra xuất nhập khẩu trong quá trình chuyển các thiết bị đến cho Hezbollah.

Với lệnh trừng phạt trên, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phong tỏa toàn bộ tài sản của công ty cũng như cá nhân trong quyền hạn của luật pháp Mỹ, đồng thời nghiêm cấm mọi công dân Mỹ giao dịch với các thực thể, các nhân trên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh quyết định trên một lần nữa cho thấy mức độ hiện diện và tầm ảnh hưởng quốc tế của Hezbollah.

Mỹ kêu gọi các đối tác chống lại mạng lưới bất hợp pháp của Hezbollah, tổ chức khủng bố mà Washington cáo buộc đã thúc đẩy bạo lực trong các hoạt động gây bất ổn ở Syria, Trung Đông và trên khắp thế giới.

Sau khi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm ở Liban kết thúc vào năm 1990, phong trào Hezbollah đã trở thành lực lượng chính trị và quân sự mạnh nhất ở quốc gia Tây Nam Á này. Hezbollah được coi là đồng minh chủ chốt của Iran, Syria và được xem như kẻ thù "không đội trời chung" của Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục