Mỹ, Trung Quốc trao đổi về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

Hội đàm với ông Jake Sullivan, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì hối thúc các bên kiềm chế tối đa, bảo vệ dân thường và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn tại Ukraine.
Mỹ, Trung Quốc trao đổi về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh 1Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trái) và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (phải) tại cuộc hội đàm ở Zurich, Thụy Sĩ ngày 6/10/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 14/3, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hội đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại thủ đô Rome (Italy). 

Theo Tân Hoa xã, tại cuộc hội đàm, ông Dương Khiết Trì đã nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh đối với tình hình hiện nay tại Ukraine.

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để sớm đạt được các kết quả thực chất, giúp giảm leo thang căng thẳng.

Bên cạnh đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc cũng hối thúc các bên kiềm chế tối đa, bảo vệ dân thường và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.

Bên cạnh đó, cần đưa ra tầm nhìn dài hạn, ủng hộ tầm nhìn về an ninh chung, hợp tác toàn diện và bền vững. 

Tuyên bố của Nhả Trắng cho biết hai bên đã có cuộc hội đàm quan trọng và thẳng thắn, trong đó nhất trí "tầm quan trọng của việc duy trì các đường liên lạc mở giữa Mỹ và Trung Quốc." 

Cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì và ông Sullivan đã được lên kế hoạch từ nhiều tuần trước như một phần trong nỗ lực duy trì các kênh liên lạc và kiểm soát cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Ngoài tình hình Ukraine, hai bên đã trao đổi vấn đề Triều Tiên.

[Trung Quốc: Ưu tiên ngăn khủng hoảng Ukraine vượt tầm kiểm soát]

Cũng trong ngày 14/3, hai nguồn thạo tin cho biết các quan chức Nhà Trắng đang thảo luận khả năng Tổng thống Joe Biden công du châu Âu trong những tuần tới nhằm thảo luận với các đồng minh về tình hình Nga và Ukraine.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và với các đồng minh châu Âu, nhưng hiện chưa có quyết định cuối cùng nào về chuyến công du.

Trong khi đó, các thành viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đang quan ngại cuộc xung đột ngày một tăng giữa Nga và Ukraine cuối cùng có thể kéo Mỹ vào một cuộc xung đột trực tiếp với quân đội Nga.

Do đó, các nghị sỹ của cả hai đảng đều ủng hộ quyết định của Tổng thống Biden trong việc vạch ra giới hạn liên quan đến việc đưa quân đội Mỹ vào thực địa ở Ukraine hoặc thực thi vùng cấm bay do những động thái như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn nhiều.

Mỹ, Trung Quốc trao đổi về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh 2Người dân Ukraine sơ tán khỏi thủ đô Kiev ngày 7/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, hai đồng minh trong NATO là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa Nga và Ukraine để mở hành lang nhân đạo cho người dân sơ tán.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Đức và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi ông Scholz kế nhiệm bà Angela Merkel.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Thủ tướng Scholz khẳng định hai bên đã nhất trí về việc đạt được một lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt cũng như cần đảm bảo việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.

Về phần mình, Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ và Đức chia sẻ “quan điểm và lo ngại chung” sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, vì vậy, Ankara sẽ duy trì nỗ lực vì một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Hiện Ankara đang đóng vai trò là nước trung gian và có liên hệ trực tiếp với cả Nga và Ukraine.

Ngày 10/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ trì cuộc đàm phán đầu tiên giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine hôm 24/2. Thủ tướng Đức đã hoan nghênh những nỗ lực trên của Ankara./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.