Mỹ từ chối cấp thị thực cho phái đoàn Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ

Theo CNN, giới chức Washington đã từ chối cấp thị thực cho một phái đoàn của Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, khiến phái đoàn này không thể đến Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng về thị thực giữa hai nước.
Mỹ từ chối cấp thị thực cho phái đoàn Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP)

Ngày 24/10, kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin giới chức Washington đã từ chối cấp thị thực cho một phái đoàn của Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, khiến phái đoàn này không thể đến Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng về thị thực giữa hai nước.

CNN cho biết, phái đoàn Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đến Washington vào cuối tháng này. Tuy nhiên, động thái từ chối cấp thị thực cho phái đoàn này trên nhiều khả năng sẽ khiến mâu thuẫn giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thêm sâu sắc.

Cùng ngày, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã kêu gọi chính phủ hai nước nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai bên. Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Thổ (TAIK) kêu gọi Washington và Ankara đối thoại để giải quyết mâu thuẫn, tránh làm tổn thương đến người dân cũng như nền kinh tế của mỗi nước.

[Mega Story] Căng thẳng ngoại giao Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ: Giọt nước tràn ly

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng kể từ khi xảy ra vụ đảo chính bất thành của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 năm ngoái.

Chính quyền Ankara cáo buộc giáo sĩ sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen chủ mưu vụ này. Đến nay, Mỹ vẫn từ chối dẫn độ vị giáo sĩ này về Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa hai nước một lần nữa gia tăng căng thẳng sau khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Istanbul do nghi ngờ có quan hệ với nhóm mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Phản đối vụ bắt giữ này, Mỹ đã quyết định ngừng cấp thị thực không định cư cho các nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự và ra lệnh bắt giữ thêm một nhân viên khác làm việc cho Lãnh sự quán Mỹ. Đây là một trong những căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa hai quốc gia vốn là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.