Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc trong "ngoại giao vaccine" ở Mỹ Latinh

Các nghị sỹ và chuyên gia khu vực cho rằng Washington cần "noi gương" Trung Quốc và bắt đầu chuyển vaccine cho Mỹ Latinh, và phải có những hành động để cho thế giới biết rằng số vaccine đó đến từ Mỹ.
Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc trong "ngoại giao vaccine" ở Mỹ Latinh ảnh 1Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng nbcnews.com, theo các nghị sỹ và giới chuyên gia, Trung Quốc đang sử dụng vaccine ngừa COVID-19 để đẩy mạnh chương trình nghị sự chính trị và thương mại của nước này ở khắp khu vực Mỹ Latinh và Caribbe, và Mỹ có nguy cơ đánh mất ảnh hưởng trong khu vực này nếu không hành động ngay.

Những tháng gần đây, Trung Quốc đã chuyển hơn 165 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do nước này sản xuất tới Mỹ Latinh và Caribbe, đi kèm với đó là một chiến dịch quan hệ công chúng được sắp đặt nhằm nêu bật vai trò của Bắc Kinh.

Trong khi đó, cho tới tận gần đây, Mỹ chỉ tập trung vào việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 và gần như không gửi vaccine của mình ra nước ngoài. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng hứa tặng 80 triệu liều vaccine, song Washington hiện vẫn chưa công bố những nước nào hay khu vực nào sẽ được nhận các liều vaccine đó.

Các nghị sỹ và chuyên gia khu vực cho rằng Washington cần "noi gương" Trung Quốc và bắt đầu chuyển vaccine cho Mỹ Latinh, và phải có những hành động để cho thế giới biết rằng số vaccine đó đến từ Mỹ.

Theo số liệu từ Tổ chức y tế Pan của Mỹ, một số quốc gia Mỹ Latinh - trong đó có Chile, El Salvador, Brazil và Uruguay - đang chủ yếu dựa vào vaccine do Trung Quốc sản xuất. Nga cũng đã gửi vaccine tới khu vực này mặc dù với số lượng ít hơn.

Honduras và Paraguay đang đối mặt với tình trạng thiết vaccine, song họ kiên quyết không nhận bất kỳ liều vaccine nào do Trung Quốc sản xuất. Hai quốc gia này nói rằng họ được đề nghị nhận vaccine từ Trung Quốc, đổi lại phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan - hòn đảo mà Bắc Kinh luôn khẳng định là "một phần lãnh thổ quốc gia."

[Phải chăng ngoại giao vaccine của Trung Quốc đang… hụt hơi?] 

Jason Marczak, Giám đốc Trung tâm Mỹ Latinh thuộc nhóm chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương, nói: “Trung Quốc đã nhân cơ hội này để phô trương sức mạnh trong khu vực."

Mặc dù Bắc Kinh từng vấp phải các chỉ trích liên quan tới việc xử lý COVID-19 khi đại dịch này xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, song Trung Quốc đã hướng sự chú ý của công chúng vào cách mà quốc gia này đã giúp đỡ các quốc gia khác trong cuộc chiến chống virus SARS-Cov-2.

Ông Marczak nói: “Đứng trên góc độ ngoại giao công chúng, Trung Quốc đã cố gắng thay đổi quan điểm của dư luận đối với Trung Quốc, từ trung tâm của vấn đề COVID-19 thành trung tâm của giải pháp COVID-19."

Carlos Alberto Madero, một quan chức cấp cao của Honduras, gần đây nói rằng việc thiếu vaccine đã đặt quốc gia này “vào tình thế cực kỳ khó khăn” và ông không loại trừ khả năng Honduras phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Madero nói với tờ Financial Times: “Người dân Honduras thấy Trung Quốc đang giúp đỡ các đồng minh của họ và chúng tôi bắt đầu tự hỏi tại sao các đồng minh của chúng tôi không giúp đỡ chúng tôi?”

Trung Quốc phủ nhận việc tặng vaccine cho các nước để đổi lấy lợi ích chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Washington từ chối đưa ra bình luận.

Ngoài 4 triệu liều vaccine tặng cho Canada và Mexio, các quan chức của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc xem quốc gia nào sẽ được nhận vaccine từ Mỹ. Các nghị sĩ và chuyên gia khu vực kêu gọi Nhà Trắng ưu tiên Mỹ Latinh và Caribbe bởi họ cho rằng bước đi đó là hợp lý xét trên góc độ y tế công cộng và các lý do chiến lược.

Nghị sỹ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa, Bob Menendez và Tim Kaine thuộc đảng Dân chủ đã viết trong bức thư gửi Tổng thống Biden hồi tuần trước: “Không có sự tham gia và lãnh đạo của Mỹ, các đối thủ của chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng các vaccine không có hiệu quả của họ làm công cụ để ép các nước Mỹ Latinh và Caribbe ủng hộ các chính sách ngoại giao mà có thể gây bất lợi cho chúng ta.”

Các nghị sỹ đã nhấn mạnh luận điểm trên trong một phiên điều trần tại Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện hồi tháng này. Họ khẳng định Chính quyền Biden cần đặt ra các ưu tiên và đảm bảo vaccine được tặng có nhãn hiệu rõ ràng “sản xuất tại Mỹ.”

Ông Kaine nói: “Nếu các vị định dành ưu tiên cho cả thế giới, chúng ta sẽ không tạo ra được tác động như chúng ta mong muốn”. Gayle Smith, điều phối viên ứng phó COVID-19 toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao, đáp lời: “Tôi có thể đảm bảo với các vị rằng rất nhiều sự quan tâm được dành cho nửa bán cầu của chúng ta”. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói với NBC News rằng "chính quyền sẽ sớm công bố xem nước nào sẽ nhận được vaccine của Mỹ."

80 triệu liều vaccine mà Biden hứa tặng vượt xa những gì chính quyền các quốc gia khác có thể cam kết. Và Washington đã hỗ trợ 4 tỷ USD cho COVAX, tổ chức do WHO hậu thuẫn chuyên tặng vaccine cho các quốc gia cần vaccine.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm việc cùng COVAX và những đối tác khác để đảm bảo các liều vaccine hiệu quả và an toàn sẽ được bàn giao một cách công bằng và phù hợp với dữ liệu khoa học và y tế công cộng... Điều quan trọng là vaccine của chúng tôi không đi kèm các điều kiện ràng buộc. Chúng tôi chia sẻ vaccine với thế giới và dẫn dắt thế giới trong một chiến lược vaccine toàn cầu bởi vì đó là điều đúng đắn cần làm: đúng đắn về mặt đạo đức, đúng đắn theo góc nhìn y tế toàn cầu, phù hợp với sự thịnh vượng và an ninh chung của chúng tôi.”

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia cũng khẳng định Honduras đã nhận vaccine từ COVAX nhiều hơn so với từ bất kỳ nguồn nào khác. Các liều vaccine bổ sung sẽ tiếp tục được gửi đến thông qua COVAX trong vài tuần tới.

Cam kết viện trợ vaccine của Mỹ vượt qua bất kỳ lời hứa nào của Trung Quốc. Theo Giáo sư Evan Ellis thuộc Trường cao đẳng quân sự lục quân Mỹ, tại Mỹ Latinh, Bắc Kinh chủ yếu bán vaccine, chứ không phải tặng, cho các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, trên mạng xã hội và truyền thông nhà nước, Trung Quốc lại tự mô tả bản thân là quốc gia đã hỗ trợ các nước Mỹ Latinh khi họ phải đối mặt với đại dịch chết người.

Ông Ellis cho rằng hành động viện trợ vaccine của Mỹ đã làm lu mờ “những gì người Trung Quốc đã làm, tuy nhiên người Trung Quốc lại biến mỗi chuyến vận chuyển vaccine tại sân bay thành cơ hội chụp ảnh.”

Ông nói: “Vị chủ tịch xuất hiện và những chiếc hộp được đưa ra với lá cờ Trung Quốc gắn trên chúng. Người Trung Quốc đã làm tốt hơn trong việc tiếp thị..."

Michael McCaul, nghị sỹ cấp cao của đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói: “Chúng ta không thể cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng đại dịch này để phá hoại lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta tại Mỹ Latinh và Caribbe. Những quốc gia như Honduras đang bị gây sức ép phải thay đổi lập trường ngoại giao, từ công nhận Đài Loan sang công nhận Trung Quốc, thì mới có thể nhận được đủ số vaccine từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Bà Smith đã mô tả chiến dịch “ngoại giao vaccine” của Nga và Trung Quốc là “hiệu quả và bất cần đạo lý” đồng thời cho rằng Chính quyền Biden cần “thể hiện rõ Mỹ coi vaccine là công cụ để chấm dứt đại dịch, chứ không phải công cụ để ép buộc các nước hoặc tạo ảnh hưởng chính trị.”

Trong giai đoạn đầu đại dịch, Trung Quốc đã triển khai “ngoại giao khẩu trang” nhằm nâng cao vị thế trong khu vực. Trong suốt thập kỷ, Trung Quốc đã dần xâm nhập vào thị trường Mỹ Latinh và vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Chile, Peru và Uruguay.

Trung Quốc đã đầu tư vào cảng biển, đường xá, đập nước và đường sắt thông qua các khoản vay dành cho chính phủ các quốc gia Mỹ Latinh, và mua lại với số lượng lớn quặng và hàng hóa nông nghiệp.

Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế để giúp Huawei và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước khác chiếm vai trò then chốt trong lĩnh vực không gian và viễn thông của khu vực.

Tại Caribbe, Trung Quốc đã tài trợ nhiều dự án bao gồm trụ sở chính phủ, đường sá và sân vận động cricket tại Antigua, Jamaica, Grenada, St. Lucia và quốc gia nhỏ bé Dominica, đồng thời đầu tư tiền tỉ vào các cảng biển và khu nghỉ dưỡng mới.

Thương mại đã đem lại lợi ích chính trị. Grenada và Dominica đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Tại Mỹ Latinh, Bắc Kinh đã thuyết phục được 3 quốc gia khác từ bỏ công nhận ngoại giao đối với Đài Loan từ năm 2017, đó là Panama, Cộng hòa Dominica và El Savaldor.

Những quốc gia từ chối “theo phe” Trung Quốc, ví dụ như Paraguay, đã bị ngưng các hoạt động tài trợ công từ Trung Quốc và phải đối mặt với những rào cản thương mại trong hoạt động xuất khẩu nông sản.

Ngoài việc chống lại Trung Quốc, các nghị sỹ và chuyên gia cũng cho rằng Mỹ cần gửi vaccine tới khu vực này bởi số ca nhiễm tại đây đang tăng, đặc biệt là trong bối cảnh 77% khách du lịch tới Mỹ năm nay đều đến từ Mỹ Latinh và Caribbe.

Các ca nhiễm COVID-19 đã tăng mạnh tại Argentina và Colombia bất chấp việc chính quyền tại đây đã áp dụng lệnh phong tỏa. Tình trạng lây nhiễm cũng đang tăng tại Trinidad, Tobago và Haiti.

Số người thiệt mạng do COVID-19 tại Mỹ Latinh và Caribbe chiếm khoảng 1/3 tổng số người thiệt mạng toàn cầu. Theo ông Marczak, với việc Mỹ đang sản xuất ngày càng nhiều vaccine và nhu cầu trong nước giảm, Chính quyền Biden vẫn còn cơ hội để hỗ trợ Mỹ Latinh và Caribbe nếu họ hành động ngay.

Ông nói: “Chưa phải là quá trễ để tạo ra sự thay đổi. Trung Quốc đã dẫn trước trong trò chơi 'ngoại giao vaccine' trong khu vực, tuy nhiên với số lượng vaccine Mỹ đang sắp sửa được phân phối ra toàn cầu, Mỹ có cơ hội để giành lại vị trí dẫn đầu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục