Ngoại trưởng Đức bác bỏ ý tưởng "ngoại giao vaccine" COVID-19

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng "ngoại giao vaccine" hướng tới trước tiên là lợi ích của các nước có vaccine thay vì của những nước đang có nhu cầu khẩn cấp về vaccine.
Ngoại trưởng Đức bác bỏ ý tưởng "ngoại giao vaccine" COVID-19 ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu với báo giới tại Brussels, Bỉ, ngày 10/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bác bỏ ý tưởng "ngoại giao vaccine" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại một cuộc thảo luận về chính sách y tế quốc tế, Ngoại trưởng Maas cho rằng "ngoại giao vaccine" hướng tới trước tiên lợi ích của các nước có vaccine thay vì của những nước đang có nhu cầu khẩn cấp về vaccine.

Ông nhấn mạnh: "Chủ nghĩa dân tộc vaccine không phải là cách đúng đắn", đồng thời khẳng định chỉ có quy mô toàn cầu mới có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19.

Trong khi đó, Giám đốc Viện Y tế Đức (Difäm) ở Tübingen, bà Gisela Schneider, cho rằng đại dịch COVID-19 "như một chiếc kính lúp" cho thấy những điểm yếu trong hệ thống y tế toàn cầu.

[WHO kêu gọi hợp tác toàn cầu trong chia sẻ vaccine COVID-19]

Bà Schneider nhận định "câu trả lời phải vượt ra ngoài vấn đề vaccine." Theo bà, điều cần làm là phải tạo ra các hệ thống y tế có khả năng phục hồi, ví dụ như ở các nước kém phát triển hoặc yếu về tài chính.

Bà Schneider cũng nhấn mạnh để có thể tiêm chủng cho dân số thế giới cần phải thảo luận việc đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ, giống như với các loại dược phẩm chống HIV/AIDS, bởi điều này "phục vụ an ninh toàn cầu."

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi các nước phương Tây nên nhanh chóng dành ra tối đa 5% lượng vaccine mua được để chia sẻ cho châu Phi.

Tuy nhiên, đề xuất của Tổng thống Macron đã bị Mỹ và Anh từ chối với lập luận rằng sẽ san sẻ vaccine cho các nước đang phát triển sau khi hoàn thành chương trình tiêm chủng trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.