Mỹ: Ukraine không được sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công vào sâu lãnh thổ Nga

Tổng thống Biden nêu rõ Mỹ không cho phép (Ukraine) tấn công sâu 200 dặm (320km) trong lãnh thổ Nga và không cho phép tấn công vào Moskva, cũng như Điện Kremlin.

Lô tên lửa Javelins do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraine ngày 11/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lô tên lửa Javelins do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraine ngày 11/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định vũ khí của Mỹ sẽ không được sử dụng để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga sau khi nhà lãnh đạo Mỹ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC News, Tổng thống Biden nêu rõ Mỹ không cho phép (Ukraine) tấn công sâu 200 dặm (320km) trong lãnh thổ Nga và không cho phép tấn công vào Moskva, cũng như Điện Kremlin.

Theo ông Biden, vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine là để tấn công "ngay bên kia biên giới."

Tổng thống Mỹ đưa ra phát biểu trên tại Pháp, nơi ông đang tham dự các sự kiện đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trước đó, Mỹ và một số nước phương Tây khác đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây tài trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 3/6 cảnh báo Mỹ có thể phải đối mặt với "hậu quả chết người" nếu phớt lờ những tuyên bố của Moskva về việc Ukraine sử dụng vũ khí do Washington hỗ trợ.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang "đùa với lửa" và có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột toàn cầu sâu sắc hơn.

Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev gọi quyết định của Tổng thống Biden là "sự leo thang nghiêm trọng của xung đột". Ông cũng cảnh báo Nga sẽ phá hủy bất kỳ vũ khí phương Tây nào được sử dụng để tấn công nước này "cả ở Ukraine và lãnh thổ của các quốc gia khác."

Cũng trong ngày 6/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu Mirage-2000 cho Ukraine và huấn luyện phi công Ukraine. Đây là một phần của sự hợp tác quân sự mới giữa hai bên trong bối cảnh xung đột tiếp diễn tại Ukraine.

Phát biểu trên đài truyền hình Pháp, ông Macron nêu rõ ngày 7/6, hai nước sẽ khởi động quan hệ hợp tác mới và thông báo chuyển giao máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 do nhà sản xuất Dassault (Pháp) chế tạo cho Ukraine và đào tạo phi công Ukraine lái những máy bay này tại Pháp.

Tuy nhiên, ông Macron chưa nêu cụ thể số lượng, thời điểm và các điều khoản tài chính để cung cấp máy bay Mirage 2000-5 cho Ukraine.

Dự kiến trong cuộc gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Điện Elysee ở Paris ngày 7/6, ông Macron sẽ đề xuất huấn luyện phi công từ mùa Hè năm nay và thông thường quá trình này mất từ 5-6 tháng. Cũng theo ông Macron, Pháp đề xuất huấn luyện 4.500 binh sỹ Ukraine.

Ông Zelensky đang thăm Pháp nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy trong Chiến tranh Thế giới thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.