Mỹ và Nga vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí

Giai đoạn 2009-2013, Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc và Pháp là 5 nước cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, trong đó Nga, Mỹ chiếm 56% thị phần.
Mỹ và Nga vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí ảnh 1Máy bay Sukhoi Su-27 của Nga. (Nguồn: Reuters)

Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 17/3 cho thấy trong giai đoạn 2009-2013, Mỹ và Nga vẫn là những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Tổng lượng vũ khí buôn bán trong giai đoạn này đã tăng 14% so với giai đoạn 5 năm trước (2004-2008).

Theo SIPRI, trong giai đoạn này, Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc và Pháp là nhóm 5 quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới với thị phần buôn bán vũ khí lên tới 74%, trong đó, Nga và Mỹ đã chiếm 56%.

Cụ thể, Mỹ "đóng góp" 29% lượng vũ khí xuất khẩu trên toàn cầu, tiếp đó là Nga 27%, Đức 7%, Trung Quốc 6% và Pháp 5%.

Các chuyên gia nhấn mạnh, bất chấp khủng hoảng sau "chiến tranh Lạnh", Nga vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn. Chỉ trong giai đoạn này, Nga đã xuất khẩu vũ khí sang 52 quốc gia trên thế giới, trong đó khách hàng chính vẫn là Ấn Độ (75% lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ là từ Nga).

Trong khi đó, 5 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu hiện là Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Saudi Arabia.

Ấn Độ vẫn là nước mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới, gấp gần 3 lần lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc và Pakistan trong 5 năm qua.

SIPRI cho biết lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ trong giai đoạn 2009-2013 đã tăng 111% so với giai đoạn 2004-2008. Theo đó, thị phần nhập khẩu vũ khí trên thị trường toàn cầu của Ấn Độ đã tăng từ 7-14%.

Nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ trong giai đoạn 2009-2013 là Nga, chiếm 75% lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ. Nước này gần đây cũng đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí của nước này, đặt biệt là của Mỹ.

Báo cáo của SIPRI cũng nêu rõ số lượng hợp đồng mua bán vũ khí trong giai đoạn 5 năm từ 2008-2013 của các quốc gia vùng Vịnh Persian đã tăng 23%, trong đó, chủ yếu là nhập khẩu vũ khí từ Mỹ (chiếm 45%).

Các chuyên gia SIPRI cho biết hiện Mỹ đã ký một loạt các hợp đồng lớn để duy trì và tăng lượng vũ khí xuất khẩu tới vùng Vịnh trong tương lai.

Đặc biệt, trong năm 2013, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ đã cho phép bán những loại tên lửa "không đối đất" cho các quốc gia trong khu vực Vịnh Persian./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.