Trong cuộc điện đàm ngày 23/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí ngăn chặn một khoảng trống quyền lực tại Syria, sau khi các lực lượng bộ binh của Mỹ rút khỏi nước này.
Tuyên bố của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đảm bảo sự phối hợp giữa quân đội, giới ngoại giao và các quan chức khác của hai nước nhằm "ngăn chặn một khoảng trống quyền lực có thể xảy ra sau bất kỳ hành động nào lợi dụng việc rút quân và giai đoạn chuyển tiếp chính trị tại Syria." Tổng thống Erdogan khẳng định Ankara sẵn sàng ủng hộ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "trong phạm vi khuôn khổ quyết định rút quân của Mỹ."
Ngoài ra, tuyên bố của Phủ Tổng thống còn cho biết hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng thương mại song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa đạt được mức kỳ vọng của hai bên và cần được thúc đẩy hơn nữa.
Trước đó, trong các tuyên bố đăng tải trên Twitter, cả Tổng thống Erdogan và Tổng thống Trump đều cho biết hai người đã có một cuộc điện đàm "hữu ích." Theo người đứng đầu Nhà Trắng, ông đã thảo luận về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria một cách từ từ và có sự phối hợp với các bên.
[Phe đối lập Syria: Mỹ cần hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc rút quân]
Trước đó, ngày 20/12, chính quyền Washington thông báo sẽ rút hoàn toàn binh lính Mỹ (khoảng 2.000 quân) khỏi Syria. Quyết định trên của Tổng thống Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới chức trong nước cũng như hầu hết các bên liên quan trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Tuy nhiên, Ankara hoan nghênh quyết định trên. Washington trong nhiều năm qua đã hậu thuẫn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong cuộc chiến chống IS tại Syria, như một phần trong lực lượng liên minh quốc tế chống nhóm thánh chiến này, với lực lượng nòng cốt là Các Lực lượng dân quân người Kurd. Trong khi đó, Ankara vốn coi Các Lực lượng dân quân người Kurd là một tổ chức khủng bố.
Theo giới phân tích, việc duy trì quân đội Mỹ tại Syria luôn tạo ra nguy cơ "đối đầu trực tiếp" với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Washington ủng hộ và hỗ trợ Các Lực lượng dân quân người Kurd tại Syria luôn khiến Ankara khó chịu. Quan hệ giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng rạn nứt một phần liên quan việc Mỹ hậu thuẫn các tay súng người Kurd ở Syria. Thậm chí Ankara còn quyết định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, bất chấp Mỹ đe dọa áp đặt lệnh cấm vận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ hai bên có dấu hiệu hòa dịu và chỉ vài ngày trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận bán hệ thống tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Về lý thuyết, việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ có thể ngăn Ankara xích lại gần những đối thủ của Washington như Nga hay Iran, điều mà Mỹ luôn lo ngại, xét ở vị trí khá quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Nhà phân tích người Liban Nidal Sabi, một chuyên gia hàng đầu về hồ sơ Syria, thì cho rằng việc rút quân khỏi Syria là kết quả của một thỏa thuận bí mật giữa Washington và Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hoan nghênh quyết định của Mỹ rút quân khỏi Syria./.