Mỹ xem xét hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao

Một danh sách các sản phẩm công nghệ mới có ứng dụng bảo mật quốc gia, từ trí tuệ nhân tạo tới bộ vi xử lý và người máy đã được đăng trên trang web Federal Register của chính phủ Mỹ.
Robot Pepper của hãng Softbank Robotics trưng bày tại Triển lãm CES ở Las Vegas, Mỹ ngày 11/1. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/11, theo các nguồn tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang xem xét việc thắt chặt các quy định đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao.

Đây được cho là một động thái mới nhất có tác động tiêu cực lớn và lâu dài đối với quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một danh sách các sản phẩm công nghệ mới có ứng dụng bảo mật quốc gia, từ trí tuệ nhân tạo tới bộ vi xử lý và người máy đã được đăng trên trang web Federal Register của chính phủ Mỹ nhằm lấy ý kiến công khai về việc có nên đưa những sản phẩm trên vào diện phải tuân theo các quy tắc kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn bởi các quy định trên sẽ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất Mỹ cũng như các khách hàng Trung Quốc.

Các công ty như Apple Inc., Google Inc., IBM, Amazon.com Inc. và các công ty tương tự sẽ bị giới hạn đối với việc xuất khẩu công nghệ của điện thoại thông minh kích hoạt bằng giọng nói, xe tự lái và siêu máy tính nhanh của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia nhà phân tích của Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức, trong cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế, ngay cả khi không áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với một số sản phẩm nhất định ở giai đoạn hiện tại, các công ty cũng sẽ thấy được những nguy cơ rủi ro nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang trong tương lai.

[Mỹ vẫn cáo buộc Trung Quốc tiếp tục đánh cắp bí mật công nghệ]

Chính vì vậy, trước thông tin trên, một số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã giảm, trong đó cổ phiếu vốn hóa lớn của tập đoàn công nghệ số Hàng Châu Hikvision và công ty công nghệ Chiết Giang Dahua bị mất điểm nhiều nhất.

Công nghệ cao là một vấn đề trọng tâm trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc bởi Tổng thống Donald Trump muốn buộc Bắc Kinh phải từ bỏ kế hoạch thống trị các ngành công nghiệp hàng đầu như xe điện, người mát và trí tuệ nhân tạo.

Mặc dù, Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina vào cuối tháng này nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên chỉ chiếm 40%, giảm so với tỷ lệ 50% trước đó, bởi những diễn biến vừa qua tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) không những không cho thấy tín hiệu tích cực nào từ hai phía, mà còn lại dập tắt tia hy vọng mới về khả năng đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Trước đó, Hội nghị cấp cao APEC lần đầu tiên tổ chức tại Papuya New Guinea, kết thúc trong sự thất vọng khi lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC lần đầu tiên trong lịch sử đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung chính thức do những căng thẳng và chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại hội nghị cấp cao này, màn công kích và đáp trả gay gắt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về tư tưởng giữa hai nước mà khó có thể thu hẹp hay đạt được một tiến triển trong đàm phán tại cuộc gặp sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục