Na Uy và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện Mặt Trời

Biến đổi khí hậu đang là thách thức toàn cầu và Việt Nam. Chính vì vậy, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo là một chính sách không thể tách rời trong hướng phát triển bền vững.
Bà Grete LoChen, Quyền Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"Các công ty Na Uy đang nóng lòng tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam để phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam."

Đây là phát biểu của bà Grete Lochen, Quyền Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tại buổi giới thiệu "Giải pháp phát triển điện Mặt Trời Na Uy" do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 và Đại sứ quán Na Uy đã tổ chức sáng 15/10, tại Hà Nội.

[Đầu tư 5.000 tỷ đồng xây nhà máy điện Mặt Trời tại Ninh Thuận]

Theo Quyền Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang là thách thức toàn cầu. Chính vì vậy, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo là một chính sách không thể tách rời trong hướng phát triển bền vững.

"Hiện chi phí đầu tư cho điện Mặt Trời đã giảm và còn rẻ hơn trong tương lai, hơn nữa đây là công nghệ sạch, không gây ô nhiễm," bà Grete Lochen nói.

Tính đến tháng Sáu, Việt Nam đã có 100 dự án điện Mặt Trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia. Trong đó, tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và thêm 1,77 GW sau năm 2020.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về điện Mặt Trời, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam. Mặc dù việc đầu tư cần nhiều chính sách, song theo ông, điện Mặt Trời được đánh giá là nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Hơn nữa, trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch nội địa đang dần cạn kiệt, các nguồn thủy điện đã được khai thác hầu hết, việc phát triển Năng lượng tái tạo ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu và bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp đến từ Na Uy đã giới thiệu các công nghệ mới nhất liên quan đến năng lượng mặt trời nổi, được xây dựng trên các hồ chứa với ưu việt là tiết kiệm diện tích đất, giúp tấm pin năng lượng mặt trời hoạt động tốt hơn cũng như giảm lượng nước bốc hơi bên dưới nhà máy.

Đáng chú ý, với chi phí vốn dự kiến chỉ từ 1,13-1,14 USD/Wp được nhiều chuyên gia đánh giá là mức phí hợp lý để có thể đầu tư, mở rộng trong tương lai, phù hợp với điều kiện của Việt Nam./.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) cũng xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất đặt từ 6 - 7 MW năm 2017 lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục