Xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ đã giảm 34% trong năm 2013, chủ yếu là do dự án xuất khẩu máy bay chiến đấu cho Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) kết thúc.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp này, chính phủ Thụy Sĩ đang xem xét nới lỏng luật về những nơi vũ khí có thể được bán.
Cơ quan phụ trách chính sách kinh tế của Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) cho biết xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ sang các nước khác trong năm ngoái chỉ đạt 461,2 triệu franc, so với khoảng 700 triệu franc năm 2012.
Mùa Thu năm 2013, Thượng viện Thụy Sĩ đã đề nghị thực thi quy định nghiêm ngặt hơn, theo đó sẽ không cho phép ngành công nghiệp vũ khí xuất khẩu sang các nước có hồ sơ vi phạm nhân quyền. Xuất khẩu vũ khí sẽ bị cấm nếu có nguy cơ các loại vũ khí này sẽ được sử dụng trực tiếp trong việc lạm dụng nhân quyền.
Đề nghị sửa đổi luật xuất khẩu vũ khí đã được Nội các ủng hộ, nhưng vẫn chưa được Hạ viện thông qua.
Xuất khẩu Thụy Sĩ sang Đức trong năm 2013 không bị ảnh hưởng với giá trị các trang thiết bị vũ khí mà Đức nhập khẩu ước tính 123,5 triệu franc.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ sang UAE bị giảm mạnh sau khi dự án xuất khẩu máy bay huấn luyện chiến đấu PC-21 đã hết và đây chính là hợp đồng lớn giúp đẩy kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ trong các năm 2011 và 2012.
Việc xuất khẩu vũ khí sang UAE cũng đã gây tranh cãi sau vụ bê bối năm 2012, khi mà lựu đạn Thụy Sĩ sản xuất, ban đầu được xuất khẩu sang UAE trong năm 2003 và 2004, lại được phát hiện thuộc sở hữu của phe đối lập Syria. Số lựu đạn này đã được chuyển qua Jordan vào năm 2004, và từ đó tiếp tục chuyển tới Syria.
Theo SECO, các nhà nhập khẩu vũ khí lớn khác của Thụy Sĩ trong năm 2013 bao gồm Italia với 58,9 triệu franc, Mỹ với 43,8 triệu franc và Anh với 38,1 triệu franc.
Năm 2009, một nhóm hòa bình đã đưa đề nghị bỏ phiếu nhằm tiến tới một lệnh cấm xuất khẩu vũ khí ở Thụy Sĩ./.