Có thể nói năm 2014 là năm Xứ sở Bạch Dương phải đương đầu với nhiều thách thức, từ chính trị tới kinh tế.
Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Trong những ngày cuối năm, cả nước Nga lại gồng mình đối phó với tình trạng đồng Ruble mất giá nhanh chóng, giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực dầu mỏ liên tục lao dốc khiến nguồn thu bị co hẹp, nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái, trong khi Mỹ và phương Tây liên tục o ép với hàng loạt biện pháp trừng phạt.
Từ đầu năm tới nay, đồng nội tệ của Nga đã mất 45% giá trị so với đồng USD và 40% giá trị so với đồng Euro. Con số thiệt hại khoảng 100 tỷ USD mỗi năm do giá dầu giảm mới chỉ là ước tính ban đầu, bởi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 50% ngân sách của Nga. Đó còn chưa kể tới tình trạng thất thoát vốn ra nước ngoài.
Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, năm 2014, kinh tế nước này mất khoảng 130 tỷ USD do các dòng vốn liên tục “chạy” khỏi Nga.
Lần đầu tiên kể từ năm 2009, giới chức Nga thừa nhận nền kinh tế nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái và đồng Ruble sẽ tiếp tục yếu trong năm tới. Điều này phần nào phản ánh mức độ tác động nghiêm trọng của việc giá dầu giảm cùng hàng loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt hòng gây sức ép với Moskva trong vấn đề Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu của Nga như năng lượng, quốc phòng và tài chính. Bộ Kinh tế Nga dự báo các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể kéo dài tới năm 2016.
Cuộc khủng hoảng Ukraine trong năm 2014 đã làm gia tăng sự đối đầu giữa Nga và phương Tây. Thậm chí, giới chuyên gia đã chỉ ra những dấu hiệu của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" kiểu mới khi hai bên liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa, không ngừng chỉ trích, cáo buộc, thậm chí đe dọa lẫn nhau.
Ngoài thực hiện các biện pháp hòng bóp nghẹt nền kinh tế Nga, các nước phương Tây cũng tìm cách cô lập Moskva trên lĩnh vực ngoại giao.
Các nước G-7 đã tẩy chay hội nghị thường kỳ của nhóm dự kiến được tổ chức tại Sochi, Nga, hồi tháng 6 vừa qua, sau đó tuyên bố loại Moskva ra khỏi G-8.
Khi quan hệ Nga-phương Tây "chạm đáy,"sự hợp tác giữa Nga - với tư cách là một quốc gia có uy tín và một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cùng các nước khác trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cũng bị gián đoạn.
Các bên không thể phối hợp đối phó với những nguy cơ và thách thức mới đe dọa an ninh toàn cầu. Đó là điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Tuy nhiên, “bão táp” một lần nữa thử thách bản lĩnh "chú gấu Nga". Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá dầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại và cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây có khả năng còn kéo dài, chính phủ Nga đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế, trong đó có quyết định chi khoảng 70 tỷ USD để can thiệp ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng Ruble.
Nhằm phá vòng vây trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin đã thực hiện các chuyến ngoại giao “con thoi” nhằm khai phá những thị trường mới. Các bạn hàng mà Nga nhắm đến chính là những nước bạn bè truyền thống của Liên Xô trước đây như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều đối tác khác ở châu Á, Mỹ Latinh,...
Trong khi các nước phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, Moskva đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này với các đối tác mới, đặc biệt bản hợp đồng cung cấp khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm với Trung Quốc.
Moskva cũng tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế thực phẩm và rau quả từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh. Vô hình trung, các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây lại trở thành cơ hội cho các nền kinh tế khác thâm nhập vào thị trường rộng lớn của Xứ sở Bạch Dương.
Khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt và giá dầu giảm cũng khiến Nga nhận ra rằng chính sách phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và đầu tư phương Tây không còn phù hợp nữa.
Theo Tổng thống Putin, các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài cũng có thể là cơ hội để Nga đa dạng hóa nền kinh tế. Việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Nga có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước này nâng cao khả năng sản xuất và cạnh tranh.
Trong năm 2014, tại Nga đã có thêm khoảng 300 cơ sở sản xuất lớn đi vào hoạt động với hàng chục nghìn việc làm có năng suất cao trong các lĩnh vực hóa dầu, chế tạo ôtô, luyện kim, công nghiệp dược.
Trong Thông điệp liên bang năm 2014, Tổng thống Putin thừa nhận phía trước Nga là chặng đường nhiều khó khăn và thử thách, phải trông cậy vào hành động của người dân Nga.
Còn người dân Nga, bất chấp những khó khăn chồng chất của năm 2014, vẫn tin tưởng vào đường lối cũng như hành động của Tổng thống Putin.
Tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ đã lần thứ hai liên tiếp bầu ông Putin là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do những đóng góp của ông trong việc phát triển nước Nga cũng như khẳng định được vai trò trong các vấn đề quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân Nga lại tin tưởng vào vị tổng thống của mình như vậy.
Sau 14 năm liên tục nắm giữ hai vị trí quyền lực nhất Xứ sở Bạch Dương, ông Putin được đánh giá là đã thành công khi đưa nước Nga từ bờ vực đổ vỡ và hỗn loạn cuối những năm 90 của thế kỷ 20 trở lại vị trí cường quốc vào thập niên đầu thế kỷ 21.
Nước Nga, dưới bàn tay “chèo lái” của ông Putin, đã vượt qua nhiều trở ngại để tìm lại con đường tăng trưởng. Ngân sách Nga đã tăng gấp 22 lần, chi phí quốc phòng tăng 30 lần và GDP tăng 12 lần. Thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước tăng 18,5 lần, lương hưu tăng 14 lần,....
Thách thức đôi khi cũng là cơ hội để nước Nga phát huy nội lực bởi trên hết, sự phát triển của nước Nga phụ thuộc vào chính người Nga./..