Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, trong đó trẻ em là đối tượng phải chịu những tác động kéo dài và nghiêm trọng nhất.
Tai nạn thương tích, thậm chí là tử vong ở trẻ em trong 10 năm trở lại đây cũng đã xuất hiện liên tiếp vào mùa lũ. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm, suy dinh dưỡng do tình trạng thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường bởi thiên tai hiện vẫn chưa được kiểm soát.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC), với những cảnh báo nêu trên, vào năm 2015, ước tính trên thế giới sẽ có ít nhất 175 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Con số này còn gấp đôi cả dân số Việt Nam hiện nay (90 triệu người).
Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định, ước tính sẽ có hơn 85% gánh nặng bệnh tật toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra đối với trẻ em dưới 5 tuổi.
Nằm trong khu vực Đông Nam Á-nơi được xem là “rốn bão” của thế giới, Việt Nam hiện cũng đang được đánh giá là một trong những nước chịu nhiều thiệt hại và dễ bị tổn thương nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn gồm Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, số lượng cơn bão, lũ lụt, xâm nhập mặn và hạn hán trong những năm gần đây đã gia tăng rõ rệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và sức khỏe của cộng đồng, trong đó có nhiều trẻ em.
Tại hội thảo rủi ro biến đổi khí hậu và khả năng thích ứng của trẻ em ở thành thị, do Tổ chức Save the Children (Cứu trẻ em) tổ chức ngày 23/9, tại Hà Nội, ông Gunnar Andersen, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn, “đe dọa” đến sức khỏe của trẻ em Việt Nam.
Thế nhưng, kết quả nghiên cứu của tổ chức này tại các thành thị của nước ta cho thấy, người dân Việt Nam vẫn chưa nắm bắt được nhiều về các tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, nhất là hệ thống giáo dục.
Nêu lên mối lo ngại ở địa phương, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng-đô thị dễ bị tổn thương bởi thời tiết cực đoan nhất, cho biết hàng năm thành phố này phải chống đỡ ít nhất 1-2 cơn bão lớn đổ bộ vào địa bàn, phá hủy không ít trường học và cơ sở hạ tầng.
“Mặc dù đô thị hóa phát triển khá nhanh, song thành phố cũng thường xuyên phải gánh chịu các môi đe dọa của biến đổi khí hậu. Đáng lo ngại là, các đợt gió nóng, bão và ô nhiễm mô trường đã dẫn tới gia tăng bệnh dịch, bệnh tật ở trẻ em,” ông Hùng nói.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, hiện số người tàn tật và trẻ em ở Đà Nẵng có nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu khá cao. Tính đến hết năm 2013, thành phố này đã có tổng cộng 2.265 trẻ em bị khuyết tật.
Ngoài ra, ông Hùng cũng thành thật cho biết, hiện nay sách giáo dục của Việt Nam đã quá cũ, điều này ít nhiều đã khiến nhận thức về biến đổi khí hậu ở trẻ còn thấp. Không những thế, kiến thức đối với người giảng dạy cũng còn hạn chế, thiếu chuyên môn và kỹ thuật.
Từ thực trạng nêu trên, đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam kiến nghị, sự tham gia của trẻ em cần được khuyến khích hơn trong các chương trình biến đổi khí hậu và các hoạt động giảm nhẹ thiên tai. Đặc biệt là, cần tích hợp nội dung phòng chống và giảm nhẹ biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy trong các trường học trên phạm vi cả nước hiệu quả hơn../.