Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 40/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và các chế độ, chính sách liên quan khác, số cựu thanh niên xung phong được giải quyết chế độ chiếm tỷ lệ cao, một số tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ này.
Kết quả trên đã được đánh giá tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 40/QĐ-TTg và các chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong, do Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức ngày 19/8.
Theo báo cáo của Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, khi có các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong, đặc biệt là Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, tập huấn hoặc có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền tập trung triển khai thực hiện.
Những năm qua, các cấp Hội và Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong.
Hầu hết các cấp Hội, Ban liên lạc đã nhận thức đúng về công tác giải quyết chế độ, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm nên đã tập trung cao cho hoạt động này.
Tính đến tháng 6, đã có 845 người được giải quyết chế độ liệt sỹ, trên 23.400 người được giải quyết chế độ thương binh, trên 149.000 người được hưởng chế độ trợ cấp một lần và 6.900 người được hưởng trợ cấp hàng tháng theo các Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg và Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
Việc quy định trợ cấp một lần cho người đang sống và từ trần, trợ cấp hàng tháng cho người không còn khả năng lao động, có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn, không nơi nương tựa tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg đã giải quyết mang tính rộng rãi hơn các chế độ đối với những thanh niên xung phong chưa được hưởng chế độ của Nhà nước.
Nhiều chính sách, chế độ khác như chế độ trợ cấp, bảo hiểm y tế và mai táng phí cho các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia sau ngày 30/4/1975, các đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chống Pháp, chế độ B, C, K… được triển khai khá tốt.
Tuy nhiên,việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lực lượng thanh niên xung phong vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là sau 3 năm thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, vẫn còn đến trên 29.000 người chưa được giải quyết chế độ, đặc biệt là chế độ thương binh còn tồn đọng trên 8.700 người, chế độ liệt sỹ còn tồn đọng 681 trường hợp.
Chế độ, chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong cơ bản phù hợp với mặt bằng chung trong thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng người có công khác, tuy nhiên vẫn còn một số chế độ, một số điểm quy định chưa hợp lý, chưa phù hợp với lịch sử đặc thù của thanh niên xung phong.
Quy định những người có hoàn cảnh khó khăn đã được xét hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg không được áp dụng Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg đã gây thiệt thòi cho những trường hợp không còn khả năng lao động, sống cô đơn không nơi nương tựa; chế độ trợ cấp hàng tháng mức 360.000 đồng là quá thấp (đến nay đã gần 4 năm vẫn chưa được điều chỉnh).
Thanh niên xung phong thuộc diện đãi ngộ chính sách như người có công, nhưng lại quy định điều chỉnh theo chế độ bảo trợ xã hội, thủ tục xét hưởng trợ cấp hàng tháng rườm rà, gây khó cho người thụ hưởng.
Việc triển khai Thông tư số 28/2013/TTLT về giải quyết chế độ thương binh, liệt sỹ cho người không còn giấy tờ gốc có nhiều điểm vướng mắc, nên hầu như chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, tình trạng cơ quan chức năng cấp sở ở một số tỉnh, thành phố đề xuất triển khai, thực hiện chưa kịp thời, hiểu sai nội dung Quyết định và Thông tư, hoặc tự ý đòi hỏi thủ tục ngoài quy định, gây khó khăn, phiền hà, thắc mắc đối với cựu thanh niên xung phong.
Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi một số nội dung của các quyết định, thông tư cho phù hợp với thực tế để tập trung giải quyết, phấn đấu đến hết năm 2016 cơ bản hoàn thành việc giải quyết các chế độ trợ cấp hiện có cho thanh niên xung phong.
Thời gian tới, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục đi kiểm tra, xử lý những vướng mắc, khó khăn ở một số địa phương; giải quyết các trường hợp còn tồn đọng chưa được hưởng chế độ, chính sách.
Hội tiếp tục mở các hội nghị phổ biến văn bản, tập huấn nghiệp vụ cho Hội, Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong các quận, huyện, xã, phường để phối hợp, đề xuất với các cấp chính quyền giải quyết thuận lợi cho cựu thanh niên xung phong./.