Trong năm 2019, hoạt động của các hội nhóm, cá nhân, chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào đã tạo tiếng vang trong cộng đồng, góp phần quan trọng kết nối doanh nhân, trí thức, chuyên gia người Việt trên toàn thế giới; thúc đẩy đóng góp của kiều bào cho sự phát triển khoa học công nghệ, kinh tế-xã hội của đất nước.
Đây là nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị tại chương trình gặp gỡ báo chí, thông tin kết quả hoạt động của Ủy ban trong năm 2019, dự kiến các hoạt động chính năm 2020 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 26/12 tại Hà Nội.
Lượng kiều hối đạt 16,7 tỷ đồng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị, trong những năm gần đây, nguồn lực doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được phát huy mạnh mẽ, đặt trọng tâm vào nhóm kiều bào trẻ.
Hiện, khoảng 3.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn góp và vốn đăng ký là 4 tỷ USD tại 52 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các thành phố và trung tâm kinh tế lớn.
Các doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam chủ yếu từ các nước như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Liên bang Nga, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Thụy Sĩ... Các dự án đầu tư của kiều bào hoạt động chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản, công nghệ phần mềm.
Cùng với các dự án đầu tư của kiều bào về trong nước, kiều hối là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Theo công bố từ Ngân hàng Thế giới, năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD. Liên tiếp 3 năm, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh nhận lượng kiều hối đổ về cao nhất cả nước, ước tính năm 2019 đạt 5,6 tỷ USD.
Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị cho biết, trong năm 2019, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, từng bước lớn mạnh, gia tăng vị thế và vai trò ở quốc gia sở tại và có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối với doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương trong nước.
Các chương trình do doanh nhân kiều bào tổ chức như Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần I tại Hàn Quốc tháng 6/2019; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu tại Warsaw, Ba Lan tháng 9/2019; Hội nghị xúc tiến thương mại Thái-Việt mở rộng tại Udon Thani, Thái Lan tháng 9/2019… đã góp phần quan trọng quảng bá các doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế.
"Hoạt động của các hội nhóm, cá nhân, chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào trong năm 2019 đã tạo tiếng vang trong cộng đồng, góp phần quan trọng kết nối doanh nhân, trí thức, chuyên gia người Việt trên toàn thế giới; thúc đẩy đóng góp của kiều bào cho sự phát triển khoa học công nghệ, kinh tế-xã hội của đất nước," ông Lương Thanh Nghị nói.
Đa dạng, đổi mới các hoạt động
Trong năm 2019, Ủy ban đã đề xuất tham mưu, chủ động rà soát, kiến nghị và đóng góp nhiều ý kiến với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thực tiễn và hiệu quả, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về nước làm ăn, sinh sống, học tập như: nghiên cứu, rà soát và sửa đổi những bất cập liên quan tới việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài; thu hút các cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác hỗ trợ cộng đồng được triển khai kịp thời, bài bản góp phần củng cố địa vị pháp lý của bà con kiều bào; chủ động nắm bắt tình hình ở các địa bàn; đẩy mạnh công tác hội đoàn và đoàn kết cộng đồng; vận động chính quyền các nước sở tại tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài làm ăn, sinh sống.
Ủy ban hỗ trợ củng cố tổ chức, đoàn kết và hướng dẫn các hội đoàn hoạt động hiệu quả; phối hợp giới thiệu 20 kiều bào tiêu biểu được hiệp thương cử tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX (2019-2024); hỗ trợ kiều bào về nước sinh sống, làm việc tại Việt Nam…
Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và duy trì tiếng Việt đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của kiều bào, góp phần gắn kết bà con với quê hương; công tác thông tin tuyên truyền tới kiều bào được đổi mới với nội dung phong phú và hình thức sáng tạo. Điển hình, chương trình Xuân Quê hương 2019 với sự tham dự khoảng 1.000 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới; các đoàn văn nghệ biểu diễn phục vụ cộng đồng nhân dịp Tết Nguyên đán 2019 tại Liên bang Nga, Thụy Điển, Đài Loan (Trung Quốc), Australia… nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo kiều bào.
“Đặc biệt, kiều bào rất quan tâm đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Qua những chuyến thăm ý nghĩa tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, kiều bào hiểu hơn tình hình thực tế ở Trường Sa, tình yêu quê biển đảo, quê hương đất nước tăng lên và khi trở về nước có những hoạt động thiết thực, cụ thể như thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa ở Đức, Ba Lan, Pháp, Hàn Quốc và một số địa bàn khác. Những câu lạc bộ này hoạt động rất tích cực, gắn kết các thành viên đã từng thăm Trường Sa, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa,” ông Lương Thanh Nghị cho biết.
Về phương hướng trong năm 2020, Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác củng cố khối đại đoàn kết, phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong trình hình mới; thu hút các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; thông tin, tuyên truyền tới kiều bào về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình trong nước; duy trì sự kiện thường niên có ý nghĩa dành cho kiều bào như Xuân Quê hương, thăm Trường Sa, trại Hè Việt Nam; hỗ trợ dạy và học tiếng Việt; hỗ trợ các hội, nhóm doanh nhân, trí thức kiều bào./.