Năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Thanh Hóa đạt 12,51%

Năm 2022, kinh tế của Thanh Hóa tăng trưởng cao, trong nhóm tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch GRDP ước đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước.
Ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt tại kỳ họp. (Nguồn: Tỉnh Thanh Hóa)

Ngày 9/12, tại Hội trường 25B, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026 đã được khai mạc trọng thể.

Tại kỳ họp này, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh năm 2023.

Theo Báo cáo, năm 2022, kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước (sau các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ). GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021. Chăn nuôi phát triển ổn định; các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng so với cùng kỳ. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững; đã trồng mới được 6,25 triệu cây phân tán, 12.500ha rừng tập trung, vượt 25% kế hoạch. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo được đẩy mạnh. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 207.900 tấn, bằng 100,9% kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm thực hiện. Sản xuất công nghiệp-xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,31%; có 22/25 sản phẩm tăng so với cùng kỳ. Trong năm, có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động và khởi công một số dự án quy mô lớn.

Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, một số lĩnh vực phát triển mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 vượt 18,8% kế hoạch và tăng 26,5% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó có 245.000 lượt khách quốc tế, gấp 11,5 lần); tổng thu du lịch vượt 211,8% kế hoạch và gấp 4 lần năm 2021.

[Thanh Hóa: Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 11 tháng tăng 20%]

Giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD, bằng 96,8% kế hoạch và tăng 1,6%; giá trị nhập khẩu ước đạt 9.272,8 triệu USD, tăng 30,1%. Thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng thu ngân sách ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ.

Tỉnh đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 07 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD. Đến ngày 30/11 vừa qua, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 7.599 tỷ đồng, bằng 65,4% kế hoạch.

Báo cáo cũng nêu rõ năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, giá xăng dầu và giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao; song, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, vừa bao quát toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm.

Theo Báo cáo, dự kiến năm 2023 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên. Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh tập trung đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách ngân sách Trung ương bổ sung có muc tiêu cho ngân sách tỉnh từ tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Tập trung cụ thể hóa, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.

Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao thực chất đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số; tiếp tục phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, nhất là các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải-cảng biển, tài chính-ngân hàng của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước thống hạ tầng điện bảo đảm nguồn cung cấp điện an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nhân dân..../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục