Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết địa phương đang tăng cường quản lý và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ trên bãi bồi để phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; kết hợp phát triển rừng với nuôi thủy sản, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bến Tre chú trọng bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, phát triển tỷ lệ che phủ rừng góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo vệ đa dạng sinh học; nâng cao năng suất và chất lượng rừng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết theo kế hoạch, năm 2023, bằng nhiều nguồn vốn Bến Tre sẽ phát triển thêm 171ha rừng; trong đó, có 151ha từ nguồn dự án WB khu vực Thạnh Phú và 20ha sử dụng nguồn vốn ngân sách và vận động xã hội hóa. Tỉnh phấn đấu đến 2025, đạt tỷ lệ che phủ rừng 2%.
Hiện, Sở đã chỉ đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre tập trung nguồn lực hoàn chỉnh hồ sơ trồng cây bằng nguồn vốn xã hội hóa và vốn ngân sách nhà nước cũng như có giải pháp quản lý, chăm sóc, theo dõi số cây đã trồng từ nguồn xã hội hóa.
[Chỉ thị số 03: Góp sức trồng 1 tỷ cây xanh, vì một Việt Nam xanh]
Bến Tre hiện có hơn 7.833 ha rừng và đất rừng trải dài theo bờ biển của 11 xã thuộc 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Đến nay, diện tích đất có rừng toàn tỉnh hơn 4.470ha; trong đó, rừng phòng hộ gần 2.247ha, rừng đặc dụng 1.868ha và rừng sản xuất 355ha.
Rừng tại Bến Tre chủ yếu là rừng ngập mặn với loài cây phổ biến là đước đôi, bần, mắm là những cây có giá trị kinh tế thấp và đa phần là rừng trồng có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, với đặc điểm ven biển, rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ an toàn đời sống dân cư phía bên trong rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, dù diện tích không quá lớn nhưng rừng ngập mặn ven biển của Bến Tre có vai trò rất quan trọng giúp địa phương chống chịu và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời tạo sự đa dạng sinh học cùng sinh kế đặc thù cho người dân. Do vậy, việc trồng và bảo vệ “lá phổi xanh” rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng, xem như giải pháp mềm trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Bùi Quốc Thống, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre, đơn vị đã phối hợp với địa phương tổ chức giao khoán rừng, bảo vệ rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước, với diện tích 2.803ha cho 487 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức.
Đối tượng được tham gia nhận khoán là các hộ nghèo, hộ có điều kiện khó khăn, ít đất sản xuất hoặc thuộc nhóm chuyển đổi sinh kế và có hộ khẩu tại địa phương. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích, rừng vừa được quản lý hiệu quả hơn hơn vừa khai thác được giá trị. Các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng được sử dụng mặt nước trong khuôn viên rừng để nuôi thủy sản quảng canh tạo sinh kế ổn định, bền vững.
Không chỉ các hộ dân được nhận khoán bảo vệ rừng tham gia trực tiếp khai thác mặt nước trong khu vực rừng mà các hộ dân sống trong vùng còn có thể hưởng lợi từ hệ sinh thái rừng để nuôi các đối tượng thủy sản đặc trưng có giá trị kinh tế cao như sò huyết, hàu. Hiện nay, tỉnh có khoảng 900ha sò huyết và 30ha mặt nước nuôi hàu.
Tuy rừng ngập mặn ven biển khu vực tỉnh Bến Tre có mức độ da dạng sinh học rất cao nhưng có nguy cơ bị giảm sút. Cũng như nhiều địa phương khác, hiện nay rừng ngập mặn Bến Tre cũng chịu tác động lớn từ việc xói lở bờ biển diễn biến phức tạp gây thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng mới rừng cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.
Từ năm 2021, Bến Tre đã triển khai thực hiện Đề án trồng cây xanh với mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh đến năm 2025. Theo đó, hoạt động trồng rừng của tỉnh có sự phát triển mạnh nhờ sự lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Năm 2022, tỉnh trồng rừng mới và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 395.000 cây rừng, tương đương 140ha./.