Để đảm bảo hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ hiệu quả nguồn nước theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi số, duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình đã được bộ cấp phép; thúc đẩy việc xây dựng bản đồ số dự báo cảnh báo hạn hán thiếu nước kết nối với hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trong điều hoà, công bố kịch bản nguồn nước.
Đó là một trong những nhiệm vụ được đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 lĩnh vực tài nguyên nước” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diễn ra vào chiều 9/1, tại Hà Nội.
Hình thành khung pháp lý về tài nguyên nước
Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh năm 2023, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo bộ, sự quyết tâm của 4 đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên nước (gồm Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước Quốc gia, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Viện Khoa học Tài nguyên Nước), toàn lĩnh vực đã hoàn thành 100% khối lượng công việc được giao.
Đáng chú ý nhất là đối với lĩnh vực tài nguyên nước, bộ đã hoàn thành xây dựng dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) và được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, với 468/472 (đạt 94,74%) phiếu đồng thuận.
Các đơn vị lĩnh vực nước cũng đã hoàn thành việc thực hiện Dự án số 1 “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước;” hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Mekong.”
Công tác quản lý tài nguyên nước trong thời gian qua cũng đã dần đi vào nền nếp, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước với nguồn thu bình quân thu từ thuế tài nguyên nước khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng/năm; nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/năm…
Tuy vậy, ông Vĩnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc còn tồn tại như: Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước vẫn còn chưa cao; việc xả nước thải vào nguồn nước của các tổ chức, doanh nghiệp thường thực hiện lén lút, các đường ống xả nước thải thường được ngụy trang xây dựng ngầm dưới lòng đất gây khó khăn cho việc kiểm tra, phát hiện.
Về công tác quản lý, hiện thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đầy đủ; mạng lưới quan trắc chất lượng nước còn mỏng và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được diễn biến tài nguyên nước; hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, việc kiểm soát chất lượng nước và ô nhiễm nước ở các vùng nông thôn chưa được quan tâm thoả đáng.
Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam - bà Nguyễn Thị Thu Linh cũng lưu ý trong năm 2023, việc phối hợp giữa các sở, ngành, giữa các cấp và ngành chưa thực sự chặt chẽ nên công tác quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; chưa có sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý công trình thủy lợi với cơ quan nhà nước trong việc quy hoạch, phát triển, bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy lợi, nuôi trồng thủy sản.
Trong khi đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước còn mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, kinh phí cấp cho công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước còn hạn chế, vì vậy việc phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước chưa kịp thời.
“Nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình vi phạm mà chưa bị xử lý thích đáng,” bà Linh lưu ý.
Đẩy mạnh Chuyển đổi Số trong quản lý, sử dụng
Trước thực trạng trên, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam - bà Nguyễn Thị Thu Linh nhấn mạnh trong năm 2024, các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ chính sách, để sớm đưa Luật Tài nguyên Nước số 28/2023/QH15 (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024) đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, các đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên nước sẽ đẩy mạnh Chuyển đổi Số, thông qua duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình đã được bộ cấp phép; thúc đẩy việc xây dựng bản đồ số dự báo cảnh báo hạn hán thiếu nước kết nối với hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trong điều hoà, công bố kịch bản nguồn nước.
"Các đơn vị liên quan cũng sẽ phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sức chịu tải của nguồn nước liên tỉnh. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên các lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã, sông Ba, sông Trà Khúc, sông Kôn, sông Sê San, sông Srepok," bà Linh nhấn mạnh.
Cũng trong năm 2024, bà Linh khẳng định các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước sẽ đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đề xuất các nhiệm vụ mới nhằm phục vụ cho việc thực thi Luật Tài nguyên Nước, trong đó tập trung vào các nội dung về an ninh nguồn nước; hạch toán tài nguyên nước; sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và hiệu quả; cải tạo, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đối với các công trình khai thác sử dụng nước.
Đánh giá cao các kết quả mà lĩnh vực tài nguyên nước đã đạt được trong năm 2023 cũng như các nhiệm vụ đặt ra để khắc phục các bất cập trong thực tiễn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước trong năm 2024 cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết giữa các đơn vị, để thống nhất công tác quản lý.
Cùng với đó, ông Khánh yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước cần tăng cường công tác giám sát, đảm bảo vấn đề "đạo đức" khi đưa ra kết quả đánh giá, không để xảy ra tình trạng phát hiện ô nhiễm mà lại cấp "giấy phép Xanh."
Đặc biệt, nhấn mạnh tới yếu tố công nghệ, ông Khánh yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu sạch; tận dụng "cánh tay nối dài" ở các địa phương, để nâng cao công tác quản lý trên cơ sở quản trị thông minh tài nguyên nước.
Bên cạnh công tác chuyên môn, thông qua kênh truyền thông báo chí, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng kêu gọi cộng đồng, mỗi người dân và doanh nghiệp cùng "chung tay" bảo vệ tài nguyên nước thông qua việc sử dụng nước trách nhiệm, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững về lâu dài./.