Năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội: Lửa thử vàng!

Gian nan, khó khăn trong năm 2023 - năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm - chính là "lửa thử vàng."
Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp. (Nguồn: TTXVN)

Năm nay là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023 đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, không chuyển trạng thái đột ngột, không điều hành "giật cục" và phải đoàn kết, đồng lòng quyết tâm hành động cao nhất.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, nhiều bộ ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động để triển khai thực hiện các mục tiêu năm 2023.

Nhưng khoan nói đến kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương. Trước tiên, hãy nhìn lại đất nước năm 2022. Năm qua là một năm của những thách thức lớn không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới bởi những diễn biến bất ngờ, phức tạp, tác động nhiều mặt, ảnh hưởng rất nặng nề, nhất là xung đột kéo dài Nga-Ukraine, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Thêm vào đó, nhiều quốc gia và đối tác của Việt Nam cũng gặp khó khăn do những biến động bất thường của thị trường toàn cầu; các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là không ít khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn từ những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế đã tích tụ từ lâu và trầm trọng hơn do tác động của đại dịch COVID-19 cùng sự suy giảm kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh rất đặc biệt đó, bằng quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu từ Trung ương xuống địa phương, chúng ta đã "biến nguy thành cơ." Và chúng ta đã đạt được những thành tựu, kết quả rất tích cực khi vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nổi bật là hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14 trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong những chỉ số vĩ mô tốt, đáng chú ý là GDP tăng trưởng tới 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021, chúng ta tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; tiếp tục duy trì xuất siêu 7 năm liên tiếp.

Các ngành, các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh. Đối với nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, năm qua chúng ta cũng tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Ấn tượng trước những thành tựu này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định Việt Nam là điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả tích cực thì chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn thách thức gay gắt, mới xuất hiện từ tháng 10/2022. Đó là chất lượng luật pháp, chính sách còn thấp, thậm chí một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Việc phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, chưa quyết liệt, thậm chí còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao...

[Giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2023]

Những khâu còn yếu, còn chậm này, trong nhiều cuộc họp của Chính phủ vào năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành cần phải tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không được điều hành kiểu "giật cục," chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.

Thủ tướng đòi hỏi các địa phương, bộ, ngành điều hành phải thật chuẩn theo tình hình thực tiễn. Phải biết nhìn xa, trông rộng, biết dự báo, định hướng để đưa ra những chính sách dài hơi và đúng thực tiễn, như vậy mới tránh được tình trạng quản trị, điều hành kiểu "ăn đong," lúc "nóng," lúc "lạnh."

Người lao động làm việc trong xưởng sản xuất gỗ. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; chủ động, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình; kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; thích ứng linh hoạt với các tình huống mới phát sinh.

Nhưng đó là điểm lại năm 2022. Năm 2023 thì thế nào?

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức lại nhiều hơn.

Khó khăn thách thức đó phần lớn từ tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, nhất là cạnh tranh địa, chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Là nền kinh tế có độ mở cao, lại nằm ở vị trí chiến lược, Việt Nam khó tránh khỏi những thách thức, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, những nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, nhân dân chờ mong, đòi hỏi ngày càng lớn khi quy mô kinh tế ngày càng lớn, dân số đất nước ngày càng đông.

Những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của đất nước ta.

Người dân chọn mua cành đào tại chợ hoa Hàng Lược. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Thế nhưng nhìn nhận một cách bình tĩnh và khoa học, gần 80 năm lập nước, đặc biệt là từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, chúng ta đều đã vững vàng vượt qua không ít thăng trầm, thử thách. Những năm tháng trên chặng đường hiện thực khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã sâu đậm trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo niềm tin, sự thống nhất, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và dư luận xã hội.

Cũng bởi vậy, khi ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương "tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục."

Cả nước phải đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng quyết tâm hành động cao nhất theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt." Có như vậy mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình để "biến nguy thành cơ"; phải kiên quyết khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai Nghị quyết. Như Bộ Tài chính đã và đang triển khai 108 nhiệm vụ, trong đó 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì. Bộ đã đề xuất Chính phủ gia hạn, kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế như chính sách đã thực hiện trong năm 2022, đồng thời đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ chấp thuận giảm 30% tiền thuê đất và thực hiện giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, cùng một số khoản phí, lệ phí tập trung để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đối với Bộ Công Thương, Chương trình hành động của ngành đã cụ thể hóa thành 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023...

Sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đang thể hiện rất rõ. Những thách thức song hành với cơ hội của năm 2023 là để có định hướng phấn đấu, vững vàng vượt qua. Đất nước năm 2023 nhất định đạt được nhiều thành tích và tiến bộ trên chặng đường phát triển hơn năm 2022!

Gian nan, khó khăn phía trước chỉ là "lửa thử vàng"!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục