Năm biện pháp để thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Algeria

Tân Đại sứ Việt Nam tại Algeria Vũ Thế Hiệp đã đưa ra 5 giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại Algeria, Vũ Thế Hiệp, vừa trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Algeria về tình hình mối quan hệ giữa hai nước, những biện pháp thiết thực nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, trong đó Việt kiều được coi là một kênh quan trọng.

Dưới đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn.


-Xin Đại sứ cho biết thực trạng mối quan hệ giữa Việt Nam và Algeria hiện nay là như thế nào?

Đại sứ Vũ Thế Hiệp: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực những năm qua diễn biến phức tạp, đầy khó khăn và thách thức, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nước ta và Algeria vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển. Điều này thể hiện rõ qua các diễn biến chính sau.

Về chính trị-ngoại giao, hai bên tiếp tục duy trì tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp. Trong thời gian tham dự kỳ họp thứ 10 Ủy ban liên chính phủ vào đầu tháng 1/2014 tại Hà Nội, Bộ trưởng Phát triển công nghiệp và Xúc tiến đầu tư Algeria, đồng Chủ tịch Ủy ban, đã hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cuối tháng Hai vừa qua, đoàn tư pháp liên ngành do Bộ trưởng Tư pháp, Hà Hùng Cường, dẫn đầu cũng đã thăm Algeria.

Về mặt chủ trương chính sách, tại kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban liên chính phủ và cuộc họp tham vấn chính trị giữa hai bộ Ngoại giao lần thứ 2 diễn ra tại Algiers cuối tháng 3/2014, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, tại các diễn đàn quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề đa phương, cũng như ứng cử làm thành viên của các tổ chức quốc tế.

Điểm nổi bật là hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư có bước chuyển biến khả quan. Việt Nam đầu tư vào khu vực dầu khí của Algeria thông qua liên doanh dầu khí ba bên Bir Seba (PetroVietnam-Sonatrach Algeria-PTTE Thái Lan) thành lập năm 2009. Theo kế hoạch, cuối năm nay sẽ đi vào khai thác thương mại với sản lượng ban đầu dự tính khoảng 20.000 thùng/ngày và khi hoạt động ổn định có thể lên tới 60.000 thùng/ngày.

Đặc biệt, trao đổi thương mại hai chiều tăng mạnh. Xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam sang Algeria từ chỗ khiêm tốn (trên dưới 10 triệu đôla Mỹ/năm) đã vượt ngưỡng 100 triệu USD (năm 2010), đạt hơn 130 triệu USD (năm 2012) rồi hơn 180 triệu USD (năm 2013).

Chỉ riêng trong quý 1 năm nay đã đạt 69 triệu USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là Việt Nam xuất siêu gần như 100% tổng kim ngạnh thương mại hai chiều, chủ yếu là càphê, gạo, hàng điện tử, thủy sản, giầy dép, hạt tiêu, vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, bên cạnh chiều hướng phát triển tích cực nêu trên, hợp tác vẫn có những hạn chế nhất định, còn mang nặng tính chất chính trị-ngoại giao. Hợp tác về kinh tế có bước phát triển, nhưng chủ yếu là trao đổi thương mại và ngay cả lĩnh vực này cũng thiếu bền vững vì trong kim ngạnh thương mại song phương, Algeria hầu như nhập siêu toàn bộ. Liên doanh dầu khí đã được thành lập, nhưng chưa đi vào khai thác. Hợp tác về văn hóa, giáo dục và trong các lĩnh vực khác chưa được xúc tiến. Trong khi đó, nhiều thỏa thuận hợp tác chưa được triển khai, nhiều hiệp định quan trọng đã quá hạn, không còn phù hợp với tình hình mới.

-Hai nước đã đạt được kết quả cụ thể gì? Cần làm gì để phát triển sâu rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước?

Đại sứ Vũ Thế Hiệp: Trong thời gian tới, để khắc phục những mặt hạn chế, phát huy các mặt tích cực nêu trên và tạo ra bước phát triển mới, hai bên nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, với trọng tâm là kinh tế-thương mại và đầu tư.

Về chính trị-ngoại giao, tiếp tục duy trì và tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đồng thời thúc đẩy quan hệ trên tất cả các kênh (Nhà nước, Quốc hội, Đảng và nhân dân); chú trọng nâng cao hiệu hoạt động của các cơ chế hợp tác đã có, nhất là UBLCP, bên cạnh đó từng bước xúc tiến hình thành các cơ chế hợp tác cụ thể giữa các Bộ, ban, ngành của hai nước; thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhất là trong lĩnh vực kinh tế;

Hai nước tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho mối quan hệ hợp tác, đàm phán ký mới và ký thêm các hiệp định hợp tác quan trọng, trong đó có Hiệp định hợp tác kinh tế, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hợp tác lao động; tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, trước hết là Liên hợp quốc.

Về kinh tế-thương mại và đầu tư, một lĩnh vực trọng tâm cần được thúc đẩy, hai nước tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thương mại hai chiều, đồng thời từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối trong cán cân thương mại; phấn đấu đến năm 2016 nâng kim ngạnh xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam vào Algeria lên 300-350 triệu USD; thúc đẩy liên doanh dầu khí đi vào khai thác đúng kế hoạch (cuối 2014), tạo cơ sở vững chắc để củng cố và mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này; xúc tiến hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch... mà bạn cần và ta có khả năng, phấn đấu đến năm 2016 có dự án đầu tư trong các lĩnh vực này; chú trọng thúc đẩy hợp tác lao động, tiến tới trực tiếp đưa lao động ta sang làm việc tại Algeria; cố gắng đến năm 2016 giải quyết xong khoản nợ bạn cho ta vay từ những năm 1970, hiện nay còn khoảng 46 triệu USD.

Về văn hóa-thông tin-giáo dục và các lĩnh vực khác, cần thúc đẩy trao đổi đoàn văn hóa-văn nghệ và thể thao giữa hai bên, trong đó có các Liên đoàn Việt Võ Đạo (vovinam); xúc tiến hình thành cơ chế Ngày, Tuần văn hóa ở mỗi nước; đẩy mạnh triển khai thỏa thuận hợp tác về thông tin và đào tạo nghề mà hai bên đã ký vừa qua; từng bước phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, chống tội phạm; đồng thời xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

-Ban liên lạc lâm thời lâm thời Việt kiều mới đây đã được thành lập ở Algeria. Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria có chủ trương và kế hoạch gì để phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam không?

Đại sứ Vũ Thế Hiệp: Thực tế đây mới chỉ là bước đầu nhằm khôi phục lại ban liên lạc Hội đã có từ trước. Sắp tới Sứ quán sẽ hỗ trợ bà con kiện toàn tổ chức, xây dựng Điều lệ Hội, tiến tới đại hội toàn thể để thông qua Điều lệ và bầu ban liên lạc chính thức.

Việc khôi phục ban liên lạc Hội người Việt Nam ở Algeria là rất cần thiết. Trước hết là tạo ra diễn đàn để tập hợp bà con Việt kiều, nhất là thế hệ thứ nhất mà hiện nay chỉ còn lại khoảng 20 người, qua đó gắn kết bà con với Sứ quán và trong nước. Về lâu dài, Hội sẽ thu hút thêm những người Việt nam mới sang Algeria lao động, làm ăn và sinh sống.

Trong những năm tới, ngoài việc củng cố tổ chức của Hội, Sứ quán sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giúp bà con cập nhật tình hình trong nước, nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường công tác bảo hộ công dân, tác động vào chính quyền sở tại để bảo đảm quyền lợi chính đáng của bà con; động viên bà con hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân đối với chính quyền sở tại, phát huy truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn sinh sống, tích cực tham gia các hoạt động do Sứ quán và các cơ quan liên quan trong nước tổ chức, qua đó làm tốt vai trò là nhịp cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân Algeria và Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục