Nam Bộ mưa dông trong mùa khô do thời tiết giai đoạn chuyển mùa

Trong tháng 4 là giai đoạn chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa, khu vực Nam Bộ tiếp tục có mưa dông, cục bộ có mưa to, tần suất mưa và lượng mưa cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn khi bước vào tháng 5 tới.
Nam Bộ mưa dông trong mùa khô do thời tiết giai đoạn chuyển mùa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên tục nhiều ngày qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ xuất hiện nhiều cơn mưa rào trên diện rộng, thậm chí có thời điểm lượng mưa lớn khiến nhiệt độ giảm, thời tiết trở nên dịu mát hơn.

Lý giải về hiện tượng trên, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Quang Năng cho biết, tháng 4 hằng năm ở Nam Bộ là thời điểm bắt đầu bước vào thời kỳ chuyển mùa dần từ mùa khô sang giai đoạn mùa mưa. Do vậy, trong thời gian tới khu vực này tiếp tục có khả năng xảy ra mưa dông, cục bộ có mưa to, tần suất mưa và lượng mưa cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn khi bước vào tháng 5 tới.

Trưởng phòng Trần Quang Năng cho hay theo quy luật của khí hậu thì tại Nam Bộ, trong thời gian này do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có vị trí trung bình nhiều năm nằm gần xích đạo (có trục ở khoảng 4-7 độ vĩ Bắc) có sự dao động dịch chuyển lên phía Bắc và xuống phía Nam, kết hợp với hoạt động của đới gió Đông, vì thế trong mùa khô ở Nam Bộ vẫn có những cơn mưa dông trái mùa.

"Mưa dông chủ yếu xảy ra vào chiều tối và tối, đêm mưa giảm. Chính do mưa dông vào thời gian này sau một ngày nắng mạnh, nên những cơn mưa dông thường hay kèm theo lốc, sét, thậm chí là mưa đá và gió giật mạnh. Đây cũng là hiện tượng nguy hiểm trong mưa dông mà người dân cần chú ý," Trưởng phòng Trần Quang Năng nhấn mạnh và lưu ý trong thời gian tới, thời tiết ở Nam Bộ tiếp tục có nắng và xen kẽ những ngày có mưa.

Từ ngày 6-7/4, khu vực này tiếp tục có mưa dông xảy ra vào chiều tối và tối, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trước tình hình mưa dông tại Nam Bộ, các chuyên gia khuyến cáo, khi trời mưa dông có thể kéo theo gió mạnh, ngập nước, thậm chí là lốc xoáy và sét đánh gây nguy hiểm, người dân nên cẩn thận với các thiết bị điện, điện tử trong nhà bằng việc không sử dụng điện thoại có dây, điện thoại bàn khi trời mưa có sấm sét vì điện thoại có thể là nguyên nhân dẫn đến sét đánh...

[Các khu vực đều có mưa dông, cần đề phòng thời tiết nguy hiểm]

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định từ ngày 1-10/4, tổng lượng mưa tại Nam Bộ phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn. Từ ngày 11-20/4, tổng lượng mưa tại Nam Bộ phổ biến 30-50mm, có nơi cao hơn. Từ ngày 21-30/4/2022, tổng lượng mưa hầu hết trên khắp cả nước phổ biến 30-60mm, có nơi cao hơn.

Ngoài ra, đề cập đến tình hình xâm nhập mặn trong tháng 4/2022, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, tại đồng bằng sông Cửu Long khả năng xuất hiện 1 đợt xâm nhập mặn tăng cao tại sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ ngày 15-18/4.

Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Để phòng, chống xâm nhập mặn, các địa phương đầu tư gia cố, sửa chữa các cống đập không đảm bảo ngăn mặn; tổ chức đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt; xây dựng đưa vào vận hành trạm bơm dã chiến; mở vòi nước công cộng theo kế hoạch để cấp nước cho người dân; mở vận hành các giếng khoan dự phòng; khẩn trương thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi bằng các nguồn vốn để phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn đảm bảo sản xuất.

Các địa phương tổ chức tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tuyên truyền vận động người dân thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng; sử dụng tiết kiệm nguồn nước, giữ gìn vệ sinh nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô; bơm trữ nước lên ruộng, ao, đầm.

Trong đợt mặn tăng cao từ ngày 15-18/4, các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất; đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục