Bốn tháng kể từ khi cuộc khủng hoảng “Áo vàng” xảy ra, chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sẵn sàng đưa ra bản tổng kết về cuộc thảo luận quốc gia lần đầu tiên được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của người dân về các vấn đề lớn đang gây chia rẽ xã hội sâu sắc.
Trình bày trước Hạ viện ngày 9/4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định chính phủ hy vọng sẽ mở ra một chương mới trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron, người sẽ đưa ra những quyết định “mạnh mẽ và cụ thể," xuất phát từ các kết quả của cuộc tham vấn công dân chưa từng có trong lịch sử này.
Dưới đây là bức tranh toàn cảnh do báo Le Monde phác họa thông qua năm câu hỏi lớn.
1. Cuộc thảo luận quốc gia là gì?
Đây là câu trả lời của Macron đối với phong trào "Áo vàng," xuất phát từ sự bất bình của người dân trước lộ trình tăng thuế nhiên liệu. Đứng trước một thách thức chưa từng có và không thể làm dịu đi sự giận dữ của người dân cho dù đã đưa ra một số nhượng bộ nhằm tăng sức mua, ông Macron đã quyết định thu thập ý kiến đóng góp của người dân hồi tháng 12/2018.
Cuộc thảo luận quốc gia đã chính thức được tổ chức từ ngày 15/1 đến ngày 15/3, dưới nhiều hình thức như các cuộc họp tại địa phương do người dân hoặc chính quyền đứng ra tổ chức, sổ ghi ý kiến đặt tại các tòa thị chính địa phương, lấy ý kiến qua mạng Internet.
Tổng thống Macron đã chọn 4 chủ đề chính: môi trường và chuyển đổi sinh thái; thuế; tổ chức Nhà nước và các cơ quan công quyền; dân chủ và quyền công dân. Tuy nhiên, người dân Pháp hoàn toàn có thể đề cập đến các chủ đề khác mà họ quan tâm. Chính phủ sau đó tập hợp lại tất cả các ý kiến đóng góp để phân tích và đưa ra bản tổng kết vào ngày 8/4.
2. Chi phí bao nhiêu?
Ngân sách Nhà nước Pháp dành 12 triệu euro cho việc tổ chức các cuộc thảo luận quốc gia. Để so sánh, một cuộc bầu cử Tổng thống tiêu tốn khoảng 250 triệu euro.
3. Có bao nhiêu người dân Pháp tham gia?
Chính phủ tuyên bố 1,5 triệu người dân đã tham gia vào cuộc thảo luận quốc gia dưới các hình thức khác nhau: 500.000 người góp ý trên nền tảng trực tuyến; 500.000 người tham gia khoảng 10.000 cuộc họp địa phương và hội nghị công dân; 500.000 người đóng góp thông qua sổ ghi ý kiến tại các tòa thị chính, thư giấy và thư điện tử.
4. Những đóng góp được phân tích như thế nào?
Giới hạn chính của việc thực hiện cuộc thảo luận quốc gia nằm ở chỗ phân loại, phân tích và ghi chép lại các ý tưởng và lời khiếu nại từ những tham vấn trực tuyến và trong 10.000 cuộc họp được tổ chức ở cấp địa phương.
Chính phủ đã kêu gọi sự tham gia của nhiều công ty khác nhau để có bản tổng kết được công bố chính thức vào ngày 8/4, trước khi đưa ra các quyết sách.
[Pháp tăng quyền cho cảnh sát khi giải quyết các cuộc biểu tình]
Viện thăm dò ý kiến Opinion Way chịu trách nhiệm xử lý phần đóng góp trực tuyến. Viện này đã hợp tác với công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo Qwam.
Các hãng Roland Berger, Bluenove và Cognito chịu trách nhiệm tổng hợp các sổ khiếu nại và biên bản các cuộc họp địa phương. Các công ty Misions Publiques và Res Publica phân tích những đóng góp được thu thập trong 21 hội nghị công dân.
5. Chính phủ sẽ làm gì với kết quả cuộc tham vấn?
Tổng thống Macron và chính phủ luôn nhấn mạnh rằng kết quả của cuộc thảo luận quốc gia chỉ là một mẫu định tính của dư luận chứ không phải một cuộc bỏ phiếu. Do đó, việc 52% số người tham gia cho rằng cần phải đưa ra những biện pháp đối ứng với các khoản trợ cấp xã hội không có nghĩa là biện pháp đó sẽ được áp dụng.
Ông Macron đã cam kết sẽ trả lời tất cả các mong muốn của người dân Pháp. Tuy vậy, ông đã kiên quyết bác bỏ việc khôi phục thuế đánh vào nhà giàu cho dù đây là một trong các yêu sách chính của những người ủng hộ phong trào “Áo vàng"./.