Nam Định bắt đầu có mưa lớn, miền Bắc cảnh báo lũ quét

Trưa 27/7, tại Nam Định, một số vùng đã bắt đầu có mưa lớn, tỉnh yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp không cấp thiết để tập trung triển khai phòng, chống bão từ chiều 27/7.
Nam Định bắt đầu có mưa lớn, miền Bắc cảnh báo lũ quét ảnh 1Các tàu thuyền về tránh bão tại khu vực cầu Bài Thơ, thành phố Hạ Long. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Trưa 27/7, tại Nam Định, một số vùng đã bắt đầu có mưa lớn, khu vực ven biển gió cấp 3, giật cấp 4, biển động.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 1, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã ký công điện khẩn yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp không cấp thiết để tập trung triển khai phòng, chống bão từ chiều 27/7.

Các lãnh đạo bám sát địa bàn được phân công, phối hợp với các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão. Các xã, thị trấn ven biển khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn, kiên quyết không cho tàu, thuyền ra khơi.

Các địa phương triển khai phương án di dời người và tài sản ra khỏi những ngôi nhà tạm, nhà yếu không đảm bảo an toàn; xây dựng kế hoạch sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển, ngoài đê, tuyệt đối không để người dân ở lại các chòi canh ngao hoặc trên tàu, thuyền đánh cá.

Lãnh đạo các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông qua hệ thống thông tin đại chúng, loa truyền thanh 3 cấp thông báo tình hình diễn biến của bão đến người dân.

Các đơn vị hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, có giải pháp đảm bảo an toàn các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, truyền hình…

Nam Định có trên 2.000 tàu, thuyền với trên 5.200 lao động hoạt động trên biển; trong đó có 525 tàu với 1.592 lao động đang hoạt động trên biển. Toàn tỉnh có hơn 700 lều, chòi canh ngao với 881 lao động trông coi đầm bãi. Toàn bộ ngư dân nuôi trồng thủy hải sản ở vùng ngoài đê biển, tàu thuyền hoạt động ngoài khơi và đánh bắt ở vùng ven bờ được các cơ quan chức năng tỉnh kêu gọi vào bờ trước 13 giờ ngày 27/7.

Trong trường hợp có bão mạnh hoặc siêu bão đổ bộ vào địa bàn, Nam Định sẽ tiến hành di dời trên 290.000 người ra khỏi những ngôi nhà tạm, nhà yếu, khu vực đê biển tại 3 huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu.

Tỉnh đã tập kết vật tư tại các trọng điểm chống lụt bão, khu vực đê xung yếu; chuẩn bị hàng chục xe ôtô tải, sà lan tự hành, máy xúc, tàu, xuồng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.

Theo nhận định ông Hoàng Mạnh Thường, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam, bão số 1 có khả năng đổi hướng di chuyển và mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Hà Nam. Do vậy, từ ngày 27 đến 29/7, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, từ khoảng 22 giờ ngày 27/7 có gió mạnh cấp 7 (các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên có gió mạnh cấp 8), giật cấp 8, cấp 9. Tổng lượng mưa trong đợt này phổ biến từ 150 đến 250mm, có nơi trên 250mm.

Để chủ động đối phó với bão số 1, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đã có Công điện yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty Điện lực tỉnh triển khai ngay các biện pháp ứng phó với cơn bão này.

Theo đó, các huyện, thành phố, các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, bão; thực hiện nghiêm chế độ thường trực, tuần tra, canh gác, chủ động triển khai các phương án phòng, chống lụt bão, sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chuẩn bị đầy đủ phương án sẵn sàng bảo vệ hiệu quả cho lúa và hoa màu, đồng thời xây dựng kế hoạch bơm tưới tiêu úng cụ thể, chi tiết cho những vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài. Công ty Điện lực tỉnh đảm bảo nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng và thông tin liên lạc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 20/7, diện tích gieo cấy lúa mùa năm 2016 của toàn tỉnh là gần 33.200ha. Diện tích gieo trồng các cây màu hè thu 2016 là cây ngô được 1.641,9ha; cây đậu tương 457,6ha; cây lạc 62ha; khoai lang 34ha; dưa chuột 24 ha; cây hoa 53,8ha; cây khác 30,1ha; rau đậu các loại 650,5ha.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1, khu vực vùng núi phía Bắc đã có mưa vừa đến mưa to. Một số nơi có lượng mưa lớn từ 19 giờ ngày 26/7 đến 7 giờ ngày 27/7 như Đào Viên (Tuyên Quang) 65 mm, Định Hóa (Thái Nguyên) 50 mm.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu sông Thao và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động 1, các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 2.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất có khả năng xảy ra tại tất cả các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang. Ngập úng tại vùng trũng và các đô thị có nguy cơ cao xảy ra, đặc biệt tại các tỉnh: Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Hiện ảnh hưởng của bão số 1 nên ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 18m/s (cấp 8), giật 25 m/s (cấp 10). Hồi 13 giờ ngày 27/7, tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông; cách bờ biển Thái Bình-Ninh Bình khoảng 120km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11.

Dự báo trong 3-6 giờ tới, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa. Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 1 tại Thanh Hóa sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm.

Trong 12-24 giờ tới, trên các sông ở Thanh Hóa sẽ xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-5m, ở hạ lưu từ 1-3m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp địa phận tỉnh Thanh Hóa. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục