Nam Định: Bất thường hoạt động khai thác cát theo kiểu “trả góp”

Mặc dù chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phương tiện không có số hiệu đăng ký đăng kiểm, nhưng doanh nghiệp Xuân Thủy vẫn ngang nhiên đục khoét lòng sông lấy cát theo hình thức “trả góp."
Tàu hút cát trước cửa biển Ba Lạt thuộc địa phận huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau nhiều giờ đồng hồ thị sát “đại công trường” khai thác cát trước cửa biển Ba Lạt- nơi sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ giữa huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, theo chân một đầu nậu khai thác cát, nhóm phóng viên chúng tôi đã đến được vị trí nơi có hàng loạt “tàu ma” tham gia đục khoét lòng sông.

Và lần theo những chiếc “tàu ma” không đăng ký đăng kiểm, không có số hiệu đang quần thảo phóng viên VietnamPlus đã có thêm nhiều phát hiện khá bất ngờ. 

"Tay không đào cát"

Mỏ cát đang được những chiếc tàu không biển hiệu "tích cực" khai thác mang tên Giao Thiện thuộc khu vực xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy. 

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 2174/GP-STNMT ngày 27/11/2013, của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, doanh nghiệp được quyền khai thác cát ở đây là Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy với mục đích cung cấp cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản của huyện Giao Thủy. Thời hạn của giấy phép này là 5 năm, (tháng 11/2013 đến tháng 11/2018), với diện tích khai thác 50 ha và trữ lượng là 1,8 triệu m3.

Theo quy định tại Giấy phép 2174/GP-STNMT được ký bởi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định Vũ Minh Lượng, Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy chỉ được phép tiến hành hoạt động khai thác cát theo giấy phép này, sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.

Tại Quyết định số 2146/QQD-UBND ngày 29/9/2016, do ông Nguyễn Phùng Hoan-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định ký ban hành về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ cát Giao Thiện cũng nêu rõ: “Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy phải có trách nhiệm nộp tiền một lần theo đúng quy định.”

Trong trường hợp này, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy phải nộp là gần 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Chi cục Thuế huyện Giao Thủy, tính đến ngày 8/8/2017 (sau gần 4 năm khai thác), doanh nghiệp này mới đóng 400 triệu đồng.

[“Tàu ma” đục khoét lòng sông, Sở khẳng định đúng "quy trình"]

Ngoài ra, Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy cũng chưa đóng tiền ký quỹ cải tạo phục vụ môi trường gần 126 triệu đồng.

Phương thức mới: "Trả góp quyền khai thác!" 

Chiểu theo nội dung Quyết định số 2146/QQD-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cũng như nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản, thì Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy chưa chấp hành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không được phép khai thác mỏ cát.

Tuy nhiên, thay vì yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghĩa vụ tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định lại “tạo điều kiện” cho Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy tiếp tục được khai thác theo hình thức không tiền khoáng hậu là “trả góp!” Có nghĩa là doanh nghiệp Xuân Thủy được phép vừa khai thác vừa "túc tắc" trả nợ tiền cấp quyền khai thác. Chưa hết, việc "trả góp" này lại dễ dãi hơn các hình thức tương tự rất nhiều khi chẳng có yêu cầu về thời hạn trả, số tiền phải trả. Bởi vậy, cho nên đã gần 4 năm hoạt động, số tiền doanh nghiệp đóng để có giấy phép mới được 1/3. 

Chẳng những vậy, tại Văn bản số 1580/TTr-STNMT ngày 16/6/2017 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh “điều chỉnh bổ sung mục đích sử dụng cát tại mỏ cát Giao Thiện trong quy hoạch bổ sung khai thác cát trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 thuộc địa phận xã Giao Thủy.”

Dựa trên đề nghị này của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 3/7/2017, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã ký Quyết định số 1490/QĐ-UBND "tặng" thêm quyền cho Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy.

Theo giấy phép này, Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy không chỉ vẫn được phép khai thác cát " trả góp quyền" cho nuôi trồng thủy sản mà còn được phép khai thác cát tại mỏ cát Giao Thiện làm vật liệu phục vụ san nền cho các công trình đường giao thông sử dụng vốn ngân sách nhà nước!


Những con "tàu ma" chiếm lĩnh địa bàn 

Theo biên bản đăng ký khai thác cát của Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy vào ngày 2/7/2017, có 17 phương tiện đeo biển kiểm soát khai thác cát thường xuyên tại mỏ Giao Thiện. Số giờ đăng ký khai thác 24/24, tùy theo con nước.

Thế nhưng,theo​ ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 8/8/2017  tại khu vực mỏ cát Giao Thiện con số tàu tham gia đục khoét lòng sông lên tới khoảng 50 tàu, trong số này, hơn 2/3 là những chiếc tàu không số hiệu. 

Trao đổi với người dân trong khu vực, chúng tôi được biết, đây chưa phải là con số đông nhất, thường xuyên ở khu vực này là 60-70 tàu khai thác cát.

Hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ tại mỏ cát Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Vậy, số “tàu ma” ngang nhiên đục khoét lòng sông Hồng trước cửa biển Ba Lạt từ đâu đến, nó có thuộc công ty Xuân Thủy-đơn vị được phép khai thác tại đây?

Tại sao, số lượng tàu tăng đột biến, nhiều tàu không đăng ký đăng kiểm, không có số hiệu ngang nhiên khai thác dày đặc cả sông mà không có đơn vị chức năng nào "hỏi đến" và có biện pháp xử lý? 

Và, liệu nguồn cát nhiễm mặn này có đáp ứng được yêu cầu chất lượng cho việc làm vật liệu xây dựng? 


Tỉnh chỉ đạo, huyện không hay...

Để làm rõ những thắc mắc nêu trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Mai Thanh Long - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy. Ngay sau khi phóng viên đề cập đến thông tin khai thác cát, ông Long lắc đầu bảo: “Từ khi tỉnh cho doanh nghiệp khai thác mỏ cát Giao Thiện để làm vật liệu phục vụ san nền công trình đường giao thông, tình hình khai thác cát diễn biến phức tạp hơn.”

Ông Long cũng khẳng định, hiện huyện Giao Thủy vẫn không nắm được diện tích, mốc giới, cũng như số lượng tàu thuyền hoạt động vì chưa nhận được thông báo từ tỉnh cũng như phía doanh nghiệp. Vì thế, việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát tại khu vực mỏ Cát Giao Thiện rất khó khăn.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có chuyến xuống địa bàn Giao Thủy để kiểm tra, rà soát việc chấp hành hoạt động khai thác cát tại mỏ cát Giao Thiện, thế nhưng "huyện cũng không được tham gia. Về sau hỏi mới biết,” ông Long chia sẻ trong tiếng thở dài buồn bã. 

Vậy cuộc kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã diễn ra như thế nào? Tại sao lại địa phương lại không được tham dự cũng như không biết gì về giấy phép từ cấp huyện/sở?

Đem thắc mắc này đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định,  chúng tôi được ông Đỗ Quang Chung, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản cho biết, việc tổ chức kiểm tra việc chấp hành hoạt động khai thác cát tại mỏ cát xã Giao Thiện  đã được Sở tiến hành vào ngày 27/7.

Kết quả của cuộc điều tra, ông Chung khẳng định: “Trong quá trình kiểm tra chỉ ghi nhận việc doanh nghiệp chưa nộp tiền ký quỹ cải tạo phục vụ môi trường trong quá trình khai thác cũng như chưa nộp đủ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.” 

[Yêu cầu 4 chủ tịch tỉnh chỉ đạo điều tra khai thác cát trái phép]

Tuy nhiên, khi đề nghị cho xem biên bản báo cáo của cuộc kiểm tra cách đây gần 2 tuần lễ, thì vị Trưởng phòng lại từ chối với lý do: “Báo cáo vẫn chưa hoàn thiện.”

Oái oăm thay, bản báo cáo "chưa hoàn thiện" mà ông Chung nói, lại đã nằm ngoan ngoãn trong tủ tài liệu của Ủy ban Nhân dân tỉnh! 

Tỉnh cấp phép, nhưng Sở quản lý...

Tại cuộc làm việc với đại diện chính quyền vào chiều 9/8/2017,  nhóm phóng viên của chúng tôi đã được cung cấp bản báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát tại mỏ các xã Giao Thiện. 

Tại nội dung báo cáo do ông Phạm Văn Sơn-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký ngày 31/7/2017, có đoạn ghi rõ: Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy đã lập đăng ký kế hoạch khai thác tổng thể từ năm 2013 đến năm 2018. Tuy nhiên, chưa gửi đăng ký kế hoạch khai thác đến đơn vị liên quan là Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy, Chi cục Thuế huyện Giao Thủy.

Ngoài ra, bản báo cáo cũng ghi nhận các tàu khai thác cát của Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy chưa treo đủ biển số tại các mặt xung quanh tàu theo quy định để đảm bảo công tác quản lý; chưa thả phao tại các điểm khép góc của mỏ cát theo quy định; chưa nộp đủ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; chưa nộp tiền ký quỹ cải tạo phục vụ môi trường trong quá trình khai thác…

Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định một mực khẳng định trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường.

“Trong việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép thì phải có trách nhiệm theo dõi. Các anh cứ làm việc, chất vấn lãnh đạo Sở sẽ rõ. Cần thiết, tôi sẽ cử người dẫn sang làm việc,” ông Hoan vừa nói vừa cầm máy gọi điện yêu cầu ông Vũ Văn Hưng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định làm việc với phóng viên.

Tại buổi làm việc, ông Hưng thừa nhận “việc một số tàu chưa đăng ký, đeo số hiệu khai thác cát đúng là vấn đề đang tồn tại.” Trong khi đó, cấp phó của ông Hưng, ông Phạm Văn Sơn cho rằng: "Việc kiểm soát tàu là do biên phòng và cảnh sát đường thủy quản lý. Khi chúng tôi đi kiểm tra không thấy tàu khai thác thì biết làm sao?"

Liên quan đến việc cho phép "trả góp" quyền khai thác, ông Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên cho biết: "Đúng ra, phát hiện ra sai phạm, chưa nộp tiền thì có thể đình chỉ , nhưng mà doanh nghiệp kêu khó khăn, xin gia hạn thời gian nộp."

Tiếp lời cấp phó, ông Hưng đưa ra quan điểm thuận tình: Doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng vẫn được khai thác thì coi đó là một hình thức trả góp. Còn việc phương tiện tàu khai thác tăng vọt như thông tin báo phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại.”

Theo như vậy, sau cuộc kiểm tra ngày 27/7, Sở Tài nguyên Môi trường Nam Định sẽ phải có thêm một cuộc kiểm tra nữa mới có thể nhận biết những sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.

Tỏ ra không hài lòng trước việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, Nguyễn Phùng Hoan đã điện thoại chia sẻ với nhóm phóng viên đang còn ngổn ngang những thắc mắc chưa được giải tỏa, cam kết rằng sẽ tổ chức cuộc họp giữa các bên vào tuần tới để làm rõ thông tin báo chí phản ánh./.

Đại công trường khai thác cát trên sông Hồng, thuộc địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục