Mã HTL của Công ty cổ phần Kỹ thuật và Ôtô Trường Long sau 1 tuần đáng quên đầu tháng 11 đã bất ngờ quay đầu trở thành quán quân nhóm tăng giá trên sàn HoSE.
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 13/11 cho thấy, trên sàn HoSE, HTL đã có 3 phiên tăng kịch trần tuần này và có thêm tổng cộng 39.000 đồng/cổ phiếu.
Đây là một trong những thay đổi lớn của bảng xếp hạng tuần này bởi trong tuần giao dịch đầu tháng 11, HTL vẫn còn là mã mất giá nhiều nhất sàn với liên tiếp những phiên lao dốc.
Thực tế, tình hình kinh doanh của HTL mới công bố gần đây khá tích cực. Theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của HTL đạt gần 39,7 tỷ đồng, tăng tới 228% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của HTL với cơ quan chức năng, nhu cầu xe tải và xe chuyên dụng của thị trường tiếp tục trong 3 tháng gần đây đã giúp số lượng xe bán ra tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Đứng vị trí thứ 2 nhóm tăng giá là mã DHM của Công ty cổ phần Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu. Đây đã là tuần thứ 4 liên tiếp DHM góp mặt trong nhóm tăng giá. Thậm chí, trong tuần trước, DHM còn là quán quân top 5 mã tăng giá trên sàn HoSE.
Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, DHM có lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt trên 3,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 607 triệu đồng của cùng kỳ năm.
Về kết quả này, đại diện DHM cho rằng, quý 3 năm nay, mặt hàng truyền thống của công ty là thiết bị điện, vật liệu chịu lửa đã ổn định và tăng trưởng trở lại.
Ngoài ra, các khoản chi phí trên tổng doanh thu cũng giảm so với cùng kỳ năm trước khoảng 3,21% theo DHM đã giúp công ty có lợi nhuận sau thuế tăng tới hơn 527% so với cuối quý 3 năm 2014.
Ở phía ngược lại, mã BGM của Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang là mã mất giá nhiều nhất sàn. Mở đầu tuần với 1 phiên tăng kịch trần, BGM sau đó mất đà và nện sàn 2 phiên trong tổng số 4 phiên còn lại. BGM tổng cộng đã đánh rơi 500 đồng/cổ phiếu sau 5 phiên giao dịch, tương ứng tỷ lệ giảm là 20%.
Đứng vị trí thứ 2 nhóm mất giá là mã VLF của Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long.
Những thông tin mới nhất liên quan tới VLF là báo cáo kinh doanh quý 3 của đơn vị này. Theo đó, VLF đang cho thấy những sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế.
Doanh thu thuần của VLF trong quý 3 đạt hơn 48 tỷ đồng, thấp hơn con số trên 137 tỷ đồng của quý 3 năm ngoái. Về lợi nhuận sau thuế, báo cáo cũng cho thấy, VLF lỗ hơn 14 tỷ đồng trong quý 3 năm nay.
Theo giải trình của đơn vị này, cùng với tình hình chung của ngành gạo Việt Nam, tình hình nội tại của VLF cũng gặp khó khăn. Trong quý 3 năm nay, VLF đã tập trung giải phóng hàng hóa tồn kho đã thu mua tạm trữ đầu năm và bán các tài sản không hiệu quả để giảm nợ vay ngân hàng.
Bên sàn HNX, mã BED của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Đà Nẵng với tỷ lệ tăng giá lên tới hơn 31% là cái tên giữ vị trí quán quân nhóm tăng giá.
Đây đã là tuần thứ 3 liên tiếp BED xuất hiện trong nhóm tăng giá và trong đó, mã này đã 2 lần chiếm vị trí quán quân nhóm tăng giá.
Trong tuần này, mặc dù có 3 phiên lao dốc nhưng với 2 phiên cuối tuần tăng kịch trần, BED vẫn có thêm 5.900 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo quý 3 của BED, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt trên 1,2 tỷ đồng, tăng trên 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lý giải của BED, kết quả trên nhờ việc tất cả các loại mặt hàng kinh doanh đều tăng như sách, thiết bị dạy học, văn phòng phẩm và dịch vụ cho thuê văn phòng.
Đứng sau BED, mã VMC của Công ty cổ phần Vimeco với tỷ lệ tăng giá 20% là mã đứng vị trí số 2 nhóm tăng giá.
Theo báo cáo kinh doanh quý 3 mới công bố của VMC, đơn vị này có doanh thu hơn 290 tỷ đồng, tăng so với mức gần 232 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế của VMC cũng tăng so với quý 3 năm 2014 và đạt trên 5,8 tỷ đồng. Theo giải thích của VMC, nguyên nhân đạt mức tăng trên là do tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua có nhiều biến chuyển khả quan hơn.
Phía VMC cho biết, công ty đã có thêm một số công trình mới giúp doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 25% so với quý 3 năm ngoái.
Ở phía ngược lại, mã mất giá nhiều nhất sàn HNX tuần này là mã PIV của Công ty cổ phần PIV.
Đà tăng giá của PIV đã kéo dài từ tháng Mười với liên tiếp những phiên leo dốc. PIV cũng chính là cái tên được nhắc tới nhiều trong tháng trước với không ít lần xuất hiện trong top tăng giá nhiều trên sàn HNX.
Kết quả kinh doanh của công ty này quý 3 đang có sự thay đổi đột biến. Doanh thu của PIV đạt tới gần 56,7 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức doanh thu chỉ hơn 4,1 tỷ đồng của quý 3 năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế của PIV nhờ vậy đã đạt trên 3,8 tỷ đồng trong quý 3 năm này, tăng tới 99,74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, mã KHB của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình sau 1 tuần giữ vị trí quán quân nhóm tăng giá đã bất ngờ xuất hiện trong nhóm mất giá tuần này.
Thực tế, báo cáo quý 3 của KHB cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Doanh thu của KHB trong quý đạt trên 6,2 tỷ đồng, tăng so với con số trên 5,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của KHB qua đó đạt gần 523 triệu đồng, cao hơn so với mức gần 186 triệu đồng của quý 3 năm ngoái./.