Nam Phi chấp thuận Đại sứ đề cử Maroc sau 15 năm bỏ khuyết

Nam Phi đã chấp thuận Đại sứ đề cử Youssef El Amrani của Maroc tại Pretoria sau 15 năm bỏ khuyết vị trí này, động thái cho thấy quan hệ song phương có thể thoát khỏi thời kỳ băng giá.
Ông Youssef El Amrani. (Nguồn: northafricapost.com)

Ngày 6/3, Bộ Ngoại giao và quan hệ quốc tế Nam Phi (DIRCO) cho biết chính phủ nước này đã chấp thuận Đại sứ đề cử Youssef El Amrani của Maroc tại Pretoria sau 15 năm bỏ khuyết vị trí này, động thái cho thấy quan hệ song phương có thể thoát khỏi thời kỳ băng giá.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, chính quyền Rabat đã đề cử Đại sứ Maroc tới Nam Phi tháng 8/2018, dấu hiệu cho thấy Maroc thực sự muốn cải thiện quan hệ với Nam Phi.

Như vậy, sau 7 tháng, Nam Phi mới chấp thuận Đại sứ đề cử El Amrani làm đại sứ đầy đủ của quốc gia Bắc Phi tại đất nước Cầu Vồng.

Đại sứ Youssef Amrani là nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong ngành ngoại giao Maroc, như nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, từng được bổ nhiệm làm đại sứ của Maroc tại Columbia, Mexico và Chile, cũng như Tổng thư ký Liên minh Địa Trung Hải.

Quan hệ Nam Phi-Maroc bắt đầu xấu đi từ năm 2004 khi Nam Phi công nhận Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi (SADR) là chính phủ hợp pháp ở Tây Sahara.

Trong khi đó Maroc tuyên bố Tây Sahara là một tỉnh của nước này và quyết định triệu hồi đại sứ Maroc tại Pretoria để phản đối động thái của Nam Phi.

[Dịch cúm lợn bùng phát tại Maroc khiến 9 người tử vong]

Năm 2006, Nam Phi đã đề nghị Maroc chấp thuận đại sứ đề cử, nhưng không nhận được phản hồi từ đối tác Bắc Phi.

Như vậy, từ 2004 đến nay, cả 2 nước Nam Phi và Maroc chỉ duy trì đại sứ tạm quyền tại nước tiếp nhận.

Đến trước thời điểm Nam Phi chấp thuận đại sứ đề cử của Maroc vào tuần trước, quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn căng thẳng.

Năm 2018, Nam Phi đã không ủng hộ nỗ lực đăng cai World Cup 2026 của Maroc, mặc dù Maroc là ứng cử viên châu Phi duy nhất.

Động lực thúc đẩy Maroc cải thiện mối quan hệ với Nam Phi bắt đầu năm 2017 khi quốc gia Bắc Phi này tái gia nhập Liên minh châu Phi (AU)-một phần của chiến lược hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế dưới thời Nhà vua Mohammed VI.

Trước đó, năm 1984, Vương quốc Maroc đã rời khỏi Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU)-cơ quan tiền thân của AU, khi OAU công nhận Cộng hòa Dân chủ Ả-rập Sahrawi và chấp nhận SADR là một thành viên của tổ chức này.

Nam Phi và hầu hết các nước thuộc Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) phản đối Maroc tái gia nhập AU trừ khi nước này bảo đảm rằng sẽ không sử dụng vị trí mới được thừa nhận trong AU để loại bỏ tư cách thành viên của SADR.

Xuất phát từ lợi ích kinh tế, nhiều quan chức và doanh nghiệp Nam Phi cũng đang thúc giục chính phủ nước này đề cử đại sứ ở cấp độ đầy đủ tới Maroc nhằm mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư tại các thị trường Bắc và Tây Phi đầy tiềm năng./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục