Nam Phi nhiều khả năng sẽ sớm yêu cầu sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong trường hợp nguồn thu ngân sách của nước này không còn đủ để chi trả các khoản nợ công.
Hiện tỷ lệ nợ công của nền kinh tế trị giá 300 tỷ USD này đang ở mức 53,1% GDP và dự báo sẽ tăng lên 56,2% GDP trong năm năm tới.
Nguồn từ Ủy ban Kế hoạch Quốc gia Nam Phi (NPC) đưa tin, nợ công của Nam Phi vẫn đang ngày một gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, kim ngạch xuất khẩu giảm sút và môi trường đầu tư ảm đạm.
Theo NPC, chỉ số nợ công cao sẽ buộc chính phủ phải giảm các khoản chi dành cho phúc lợi xã hội - một yếu tố được đánh giá là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong xã hội tại quốc gia vỗn đã nằm trong số những nước có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới này.
Trong báo cáo của mình, NPC chỉ rõ rằng nếu muốn thoát ra khỏi vòng xoáy suy thoái, Nam Phi không thể tiếp tục đi theo con đường cũ. Nước này cần phải tìm một con đường phát triển mới thông qua các biện pháp cụ thể như tăng thu từ thuế, tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của khu vực hành chính công và dịch vụ.
[Nam Phi hoãn xúc tiến hợp tác hạt nhân với Nga do khó khăn kinh tế]
Trước đó, hôm 21/9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã công bố gói kích cầu tổng thể ưu tiên chi tiêu cho các hoạt động có tác động lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp, kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn. Gói kích cầu lần này gồm năm nhóm biện pháp sẽ được thực hiện ngay lập tức.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Nam Phi (Stats SA), kinh tế Nam Phi đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, theo đó tăng trưởng kinh tế giảm lần lượt 2,6% và 0,7% trong quý 1 và quý 2/2018, do các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, thương mại và chế tạo đều suy giảm.
Được coi là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi, kinh tế Nam Phi đã xuống dốc trầm trọng trong gần một thập kỷ qua. Có thời điểm, nền kinh tế nước này bị các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá ở mức rất thấp, có thời điểm bị xếp cuối bảng trong 21 nền kinh tế mới nổi về dự báo các chỉ số tài chính, bao gồm tăng trưởng GDP, tài khoản vãng lai, mức độ rủi ro tín dụng và giá trị của thị trường chứng khoán và trái phiếu./.