Nam Phi giám sát hệ thống thoát nước để xác định điểm nóng COVID-19

Nam Phi đã phát động chương trình giám sát hệ thống thoát nước nhằm tìm kiếm dấu vết của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong chất thải của bệnh nhân qua hệ thống nhà vệ sinh.
Nam Phi giám sát hệ thống thoát nước để xác định điểm nóng COVID-19 ảnh 1Lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Cape Town, Nam Phi ngày 4/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy ban Nghiên cứu nước (WRC) Nam Phi mới đây đã phát động chương trình giám sát hệ thống thoát nước nhằm tìm kiếm dấu vết của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong chất thải của bệnh nhân qua hệ thống nhà vệ sinh.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, chương trình giám sát quốc gia này nhằm hỗ trợ các nhân viên y tế theo dõi các ca mắc COVID-19 và lập bản đồ các điểm nóng lây nhiễm trong cộng đồng.

WRC hy vọng có thể cung cấp đầy đủ về sự đa dạng của các chủng SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu của WRC sẽ thực hiện các chương trình thí điểm trong tháng Năm này.

Chi phí để triển khai chương trình giám sát hệ thống thoát nước toàn quốc ước tính khoảng 2,5 triệu USD, chủ yếu dành cho phân tích và đánh giá trong các phòng thí nghiệm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vật chất di truyền từ virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại trong chất thải cơ thể người sau một số ngày và do đó có thể truy tìm virus này trong hệ thống nước thải.

Đến nay, hướng truy tìm COVID-19 trong hệ thống nước thải chủ yếu được thực hiện ở các nước phát triển với hệ thống thoát nước tiên tiến dạng mắt lưới.

Theo Giám đốc điều hành WRC, Dhesigen Naidoo, nghiên cứu và truy tìm COVID-19 trong hệ thống nước thải ở các khu vực dân cư không chính thức và vùng nông thôn có thể tạo ra bước đột phá về cách đối phó với đại dịch này ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, so với các nước phát triển, việc lấy mẫu xét nghiệm của WRC sẽ khó khăn hơn do cấu trúc hệ thống nước thải hộ gia đình ở khu vực nông thôn và các khu định cư không chính thức.

Chiến lược kiểm soát sự lây lan dịch COVID-19 tại Nam Phi chủ yếu được thực hiện thông qua xác định và cách ly sớm các ổ dịch trong cộng đồng, nhưng mục tiêu này đang gặp khó khăn do hạn chế về các bộ dụng cụ xét nghiệm, tiến độ xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm chưa theo kịp đà lây lan, cũng như quy mô dân số khoảng hơn 58 triệu người và diện tích rộng lớn của đất nước này (gấp khoảng 4 lần diện tích Việt Nam).

Giáo sư Angela Mathee, Giám đốc bộ phận môi trường và sức khỏe WRC, cho biết trong điều kiện hạn chế về năng lực, về xét nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực, Nam Phi cần phải khai thác mọi công cụ có thể nhằm hỗ trợ hiệu quả và với chi phí để chống lại sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo Giáo sư Mathee, dịch tễ học dựa trên nước thải có thể xác định các điểm nóng về dịch bệnh, hướng các nguồn lực hạn chế đến nơi cần thiết nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Tính đến hết ngày 21/5, Nam Phi ghi nhận 19.137 ca mắc COVID-19, trong đó 369 ca tử vong.

Tỉnh Western Cape (nơi có thành phố du lịch Cape Town nổi tiếng) chiếm 63,5 % số ca nhiễm của toàn Nam Phi (gồm 9 tỉnh) và khoảng 10% số ca nhiễm của toàn châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.