Ngày 29/12, Nam Phi đã kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc nước này có những hành động "diệt chủng" tại Dải Gaza.
Theo một thông cáo báo chí của ICJ, vụ kiện cáo buộc "những hành động của Israel được cho là vi phạm các nghĩa vụ của nước này theo Công ước của Liên hợp quốc về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng" trong cuộc xung đột tại Dải Gaza.
Nam Phi đề nghị ICJ có "các biện pháp tạm thời" để bảo vệ các quyền của người Palestine theo công ước trên, đồng thời bảo đảm Israel tuân thủ các nghĩa vụ theo công ước.
Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ cáo buộc trên. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel cho rằng các cáo buộc mà Pretoria đưa ra là "vô căn cứ và không có giá trị pháp lý."
Đây là động thái mới nhất của Nam Phi liên quan cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.
Tháng 11 vừa qua, các nghị sỹ Nam Phi đã bỏ phiếu ủng hộ việc đóng cửa Đại sứ quán Israel ở Pretoria và đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao cho đến khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Trong khi đó, cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã bắt đầu các chiến dịch quân sự ở khu vực Khirbat Ikhza'a phía Nam Gaza - địa điểm Hamas xuất phát để bất ngờ tấn công vào Israel hôm 7/10.
Tuyên bố của IDF nêu rõ các binh sỹ Israel đã "tấn công nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có các đường hầm và vị trí phóng tên lửa chống tăng."
Nhiều đường hầm cũng đã bị phát hiện, cùng một lượng lớn vũ khí, trong đó có súng AK-47, súng trường, lựu đạn, súng cối.
Xung đột Hamas–Israel: Qatar đề xuất một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn
Qatar đề xuất một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn để mở đường việc trao đổi toàn bộ tù nhân giữa Hamas và Israel nhằm giải quyết vấn đề con tin đang bị giam giữ.
Trong bối cảnh xung đột vẫn diễn ra ác liệt ở Gaza, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus quan ngại nguy cơ lây lan bệnh dịch truyền nhiễm ở vùng lãnh thổ này.
Phát biểu trên mạng xã hội X, người đứng đầu WHO cho biết kể từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12, nhiều người sinh sống trong các lán trại đã mắc bệnh.
Gần 180.000 người đang mắc bệnh viêm đường hô hấp trên và 136.400 người mắc tiêu chảy, trong đó có tới 50% là trẻ em dưới 5 tuổi; chưa kể hàng chục nghìn người bị phát ban, mắc bệnh thủy đậu...
Hiện WHO và các đối tác đang nỗ lực hết sức nhằm hỗ trợ các cơ quan y tế tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh, thông qua việc cung cấp thuốc, các bộ xét nghiệm để phát hiện và ứng phó sớm các bệnh truyền nhiễm, cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch, thực phẩm, vệ sinh và các dịch vụ vệ sinh./.