Khoảng 500 cá thể tê giác đã bị những kẻ săn trộm giết hại để lấy sừng trong 8 tháng qua tại Nam Phi, giảm 26% so với 691 con của cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Môi trường Nam Phi cho biết số liệu trên cho thấy số lượng tê giác bị săn bắn trái phép đã giảm dần kể từ năm 1994 khi có tới 1.215 con tê giác bị giết hại tại quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi này.
Bộ Môi trường Nam Phi cho rằng việc triển khai các trạm radar di động nhằm kiểm soát các toán săn trộm đã góp phần làm giảm số lượng tê giác bị giết hại tới 8%, đặc biệt tại những khu vực có mật độ phân bố cao.
['Cộng đồng mạng quay lưng với việc sử dụng sừng tê giác']
Ngoài ra, số lượng tê giác giảm do nạn săn bắn trộm trong nhiều năm qua cũng được xem là nguyên nhân khiến bọn săn trộm khó tìm mục tiêu hơn.
Theo số liệu của Bộ Môi trường Nam Phi, số lượng tê giác tại Kruger Park - khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Nam Phi và cũng là nơi tập trung mật độ tê giác cao nhất châu Phi, đã giảm gần 50% trong 4 năm qua, từ 9.000 con năm 2014 xuống còn 5.000 con năm 2018.
Tháng 8/2017, phiên bán đấu giá sừng tê giác đầu tiên đã được tổ chức tại Nam Phi sau khi Tòa án thượng thẩm ở thành phố Pretoria cho phép một chủ trang trại nuôi tê giác đứng ra chủ trì phiên đấu giá.
Sự kiện này không chỉ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhà bảo vệ động vật mà còn gây tranh cãi về cơ sở pháp lý cũng như tính thực tiễn của việc cho phép thương mại hóa sừng tê giác.
Tháng 4/2017, chính quyền Nam Phi gỡ bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác trong phạm vi nội địa vì cho rằng việc này sẽ không làm ảnh hưởng tới lệnh cấm buôn bán sừng tê giác trên phạm vi toàn cầu, cũng như sẽ là cách duy nhất ngăn chặn nạn săn bắn trộm tê giác để lấy sừng hoành hành tại quốc gia ở miền Nam châu Phi này.
Hiện giá chợ đen của sừng tê giác Nam Phi dao động trong khoảng 60.000 USD/kg, cao hơn cả giá vàng hay cocaine. Không chỉ sở hữu những mỏ kim cương lớn nhất thế giới, Nam Phi còn là nơi sinh sống của khoảng 20.000 con tê giác trắng, chiếm tới 80% tổng số tê giác trắng trên toàn thế giới./.