Tối 9/5, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh ra phán quyết Nam Phi chiến thắng pháp lý liên quan đến kho báu trị giá 43 triệu USD từ một vụ đắm tàu trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Vụ chìm tàu SS Tilawa - con tàu được mệnh danh là "Titanic Ấn Độ" - đã cướp đi sinh mạng của 280 người và khiến hơn 2.000 thỏi bạc rơi xuống đáy đại dương.
Ngày 23/11/1942, tàu SS Tilawa bị ngư lôi của Nhật Bản đánh chìm ở Ấn Độ Dương. Ngoài hơn 900 người trên tàu, con tàu còn chở theo 2.364 thỏi bạc đã được Nam Phi mua để đúc thành tiền xu.
Kho báu trên tàu bị chìm không thể trục vớt được cho đến năm 2017, khi một phương tiện trục vớt chuyên dụng của công ty Argentum Exploration của Anh lấy được kho báu.
Số bạc này đã được đưa đến Vương quốc Anh và được tuyên bố là tài sản của Argentum. Sau đó, công ty đã thừa nhận Nam Phi là chủ sở hữu số bạc này nhưng yêu cầu phía Nam Phi bồi thường để có thể nhận lại kho báu.
Nam Phi đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Vương quốc Anh. Tòa án Anh ra phán quyết rằng số bạc này không được sử dụng hay có ý định sử dụng vào mục đích thương mại, vì vậy Nam Phi không phải bồi thường.
Vụ chìm tàu SS Tilawa được mệnh danh là "Bi kịch bị lãng quên" trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ngoài số bạc trên, tàu còn chở hơn 5.900 tấn hàng hóa khác./.
Tranh cãi dữ dội về quyền sở hữu kho báu hàng tỷ USD trong xác tàu chiến cổ
Xác tàu San José của hải quân Tây Ban Nha bị chìm năm 1708 ở ngoài khơi bờ biển Colombia đang trở thành vấn đề tranh cãi liên quan tới quyền sở hữu và trục vớt kho báu khổng lồ trên con tàu này.