Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, đầu năm 2019, các nhà nghiên cứu của Đại học Stellenbosch, Nam Phi, sẽ bắt đầu thử nghiệm ứng dụng thuật toán tối ưu hóa đèn giao thông tại thị trấn Stellenbosch, tỉnh Western Cape.
Nếu thành công, dự án này sẽ giúp ích rất lớn đối với các nước đang phát triển của châu Phi trong việc giải quyết các vấn đề về ách tắc giao thông.
Đại học Stellenbosch cho biết theo kế hoạch, ứng dụng công nghệ mới sẽ được thử nghiệm ở hệ thống đèn tại 8 nút giao thông trên đoạn đường chính, đông đúc nhất R44 của thị trấn Stellenbosch.
Tiến sỹ Johann Andersen, Trưởng khoa Kỹ thuật dân sự, Đại học Stellenbosch cho biết dự án sử dụng kết hợp các máy camera được lắp mới tại các nút giao thông và các mạch điện từ đã được thiết kế, lắp đặt bên dưới mặt đường giúp tính toán lưu lượng xe và các dòng xe cộ lưu thông.
Sau đó, dữ liệu thu thập sẽ được gửi về hệ thống và thuật toán ứng dụng sẽ tự động điều chỉnh các tín hiệu giao thông, giúp lưu lượng phương tiện giao thông có thể di chuyển tối ưu. Quá trình tự động hóa cũng góp phần giảm sự can thiệp của người điều khiển giao thông.
Công nghệ do Đại học Stellenbosch sắp triển khai thử nghiệm tại Nam Phi tương tự như công nghệ do Đức phát triển và ứng dụng trên tuyến đường dài 3km ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) với hệ thống tín hiệu ở 6 nút giao giao thông, giúp giảm thời gian di chuyển trên đoạn đường này tới 26%, thời gian chờ đợi đèn giao thông giảm 37%. Đây cũng là lần đầu tiên, công nghệ tiên tiến này được thử nghiệm tại châu Phi.
Sinh viên cao học Wilko Mohr, Đại học Stellenbosch, tác giả của thuật toán điều khiển giao thông thông minh trên, coi đây là giải pháp “kỹ thuật mềm” có khả năng giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông nan giải tại các nước đang phát triển với ưu thế về thời gian thực hiện nhanh và tiết kiệm hơn so với các giải pháp “kỹ thuật cứng” là xây dựng thêm nhiều tuyến đường mới./.