Nạn nhân mới của cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga-phương Tây

Theo các chuyên gia Nga, bối cảnh địa chính trị là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá của đồng Ruble. Riêng trong tháng 1/2022, đồng tiền của Nga đã mất giá hơn 5%.
Nạn nhân mới của cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga-phương Tây ảnh 1Đồng ruble của Nga. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, đồng nội tệ (Ruble) của Nga tiếp tục mất giá so với các đồng tiền hàng đầu thế giới, gồm USD của Mỹ và đồng tiền chung Euro của châu Âu.

Chỉ tính riêng trong tháng 1/2022, đồng tiền của Nga đã mất giá hơn 5% - mức mất giá cao nhất trong số các thị trường mới nổi.

Trong phiên giao dịch mới nhất, 1 USD được giao dịch tương đương với 79 Ruble, trong khi 1 Euro được giao dịch tương đương hơn 89 Ruble. Đây là mốc cao nhất kể từ tháng 7/2021.

Theo các chuyên gia Nga, bối cảnh địa chính trị là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá của đồng Ruble. Quá trình này được dồn nén bởi một yếu tố khác liên quan đến kỳ vọng về khả năng thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Ông Sergey Khestanov, cố vấn kinh tế vĩ mô cho Giám đốc điều hành Công ty cổ phần môi giới Otkritie, cho rằng các biện pháp trừng phạt là một quá trình chính trị và rất khó dự đoán được sự phát triển của quá trình này.

Theo chuyên gia này, sự gia tăng căng thẳng địa chính trị đã dẫn đến thực tế là một số nhà đầu tư, chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài, muốn rút tài sản khỏi thị trường Nga.

[Pháp: Cần duy trì đối thoại để tìm giải pháp cho vấn đề Nga-Ukraine]

Công chúng đã chứng kiến tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Tiếp theo, các nhà đầu tư có xu hướng thoát ra khỏi đồng Ruble, bán đồng nội tệ Nga để đổi lấy ngoại tệ. Vì vậy, mọi người thấy sự suy giảm đồng Ruble.

Theo chuyên gia Khestanov, Ngân hàng Trung ương Nga đã cố gắng ổn định tình hình bằng cách ngừng mua ngoại tệ một thời gian trong khuôn khổ điều lệ ngân sách. Tuy nhiên, những yếu tố địa chính trị, đặc biệt là sự phát triển của quy trình trừng phạt mới từ phương Tây đối với Nga, sẽ khiến tình hình trầm trọng thêm.

Một số nhà quan sát cho rằng hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng góp phần gây ảnh hưởng quan trọng đối với tỷ giá USD/Ruble. Nếu Fed công khai tác động đối với các nhà giao dịch thì tình hình đối với đồng Ruble có thể trở nên nghiêm trọng.

Cặp tỷ giá USD/Ruble sẽ tiến gần đến mốc 80. Việc phá vỡ mốc tâm lý này có thể kích thích sự gia tăng tháo chạy hàng loạt của các nhà đầu tư khỏi đồng Ruble.

Trong kịch bản bi quan hơn, ông Sergey Grishunin, Giám đốc điều hành của Dịch vụ xếp hạng NRA, tin rằng tỷ giá USD/Ruble có thể tăng lên mốc 85-90 trong tháng tới. Ông cho rằng tỷ giá hối đoái có thể tự quay trở lại các giá trị cơ bản, nếu luận điệu địa chính trị xung quanh Ukraine dịu đi phần nào và tất cả các bên quan tâm xác nhận ý định giải quyết mọi vấn đề thông qua ngoại giao.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra kịch bản tiêu cực vẫn rất cao. Với sự phát triển tiêu cực của các sự kiện, giới phân tích nhận thấy biên độ tỷ giá của đồng Ruble so với USD sẽ vào khoảng 85-90 Ruble/USD.

Ông Alexander Razuvaev, thành viên Ban giám sát của Hiệp hội các nhà phân tích tài chính và quản lý rủi ro, đồng tình với quan điểm cho rằng đồng tiền của Nga luôn phụ thuộc vào diễn biến tình hình địa chính trị. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, có những thành phần kinh tế ở Nga tạo điều kiện để đồng Ruble mạnh lên.

Nga có hơn 170 tỷ USD trong tài khoản của các nhà xuất khẩu nhận được trong năm 2021. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng Nga có 638 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Nga cũng có một thị trường rất tốt đối với xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá. Do vậy, trong tình huống này, cần có một quyết định chính trị để quản lý rủi ro đối với đồng nội tệ của Nga.

Ngoài ra, tình hình đang được cải thiện trên thị trường chứng khoán Nga. Chỉ số Moscow Exchange đang tăng hơn 4%. Cổ phiếu của tập đoàn Nornickel, vốn đóng góp tỷ trọng lớn trong chỉ số đồng Ruble, đã tăng giá khoảng 4%.

Chứng khoán của công ty này cũng dẫn đầu về tính thanh khoản cao. Dự báo giá thế giới đối với các sản phẩm quặng hiếm vốn là thế mạnh của Nga đều tăng.

Dự báo, giá niken tăng 2%, bạch kim tăng 2,5% và palladium tăng 6%.
Do đó, trong bối cảnh tình hình chính trị bắt đầu có dấu hiệu ổn định hơn, động lực tăng thêm của chứng khoán Nga sẽ phụ thuộc phần lớn vào tâm trạng của các nhà đầu tư lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.