Nâng cao đào tạo nghề cho lao động nữ gắn với tạo việc làm

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam hiện ở mức 72%, cao thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, có tới 81,6% lao động nữ chưa được đào tạo nghề và đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo số liệu do Trung tâm Phát triển và hội nhập (Tổ chức phi Chính phủ của Việt Nam) cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam hiện ở mức 72%, cao thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Campuchia là 81%. Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại, đó là có tới 81,6% lao động nữ chưa được đào tạo nghề và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thiệt thòi. Họ gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt hệ thống chính sách, sự giám sát thực hiện các chính sách đảm bảo quyền cho phụ nữ trong thực tiễn, các dịch vụ hỗ trợ...

* Lao động nữ dễ bị tổn thương

Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với một quốc gia có nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, nhưng trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật được đánh giá là thấp so với khu vực, nhất là đối với lao động nữ đang đặt ra cho nền kinh tế của Việt Nam nhiều thách thức.

Số liệu năm 2016 của Tổng Cục Thống kê cho thấy: Trong tổng số 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động cả nước chỉ có khoảng 11,3 triệu người được đào tạo, chiếm 20,9%. Kết quả điều tra của Viện nghiên cứu gia đình và giới năm 2016 chỉ ra, tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo là 81,6% cao hơn nam giới (76,7%). Việc thay đổi phương thức sản xuất đang diễn ra ở khu vực nông thôn đã khiến nhiều lao động nữ thất nghiệp trên chính mảnh ruộng của mình. Phụ nữ ở nông thôn được coi là lao động quan trọng của gia đình, nhưng họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề nâng cao trình độ tay nghề. Đó là sự bất lợi không chỉ cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những đối tượng được hưởng lợi từ họ.

Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về “Bình đẳng giới giai đoạn 2011–2020” nêu rõ: Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020 thế nhưng, năm 2016, mới chỉ đạt 15%. Theo các chuyên gia nghiên cứu về bình đẳng giới, mục tiêu này khó thực hiện bởi sự khác biệt giữa các vùng kinh tế, xã hội rất lớn. Nhóm phụ nữ ở khu vực nông thôn có tỷ lệ chưa qua đào tạo và tham gia lao động tự làm và lao động gia đình cao hơn nhóm phụ nữ ở khu vực thành thị.

"Nhóm lao động nữ thuộc dân tộc thiểu số không qua đào tạo cao hơn 0,36 lần, so với dân tộc Kinh, họ chịu nhiều thiệt thòi và cần có sự hỗ trợ hơn nữa về mặt chính sách trong lĩnh vực đào tạo", Thạc sỹ Trần Quý Long, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, phụ nữ là xương sống của gia đình, là trụ cột của đời sống cộng đồng, là người chăm sóc người cao tuổi, đồng thời là người nuôi dưỡng con cái, cháu chắt... Tuy nhiên, hoạt động sinh kế, việc làm của họ bị ảnh hưởng bởi trình độ chuyên môn, đó là một sự bất lợi không những cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những đối tượng được hưởng lợi từ họ.

* Còn nhiều khó khăn

Thực tế hiện nay, lao động nữ chưa qua đào tạo phải đối diện nhiều thách thức trong lao động, việc làm. Họ bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội và áp lực gánh vác các định kiến trách nhiệm với gia đình. Đặc biệt, họ thuộc nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tập trung chủ yếu nhóm nghèo, sống ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số; ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, học vấn thấp. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, nữ lao động chưa qua đào tạo lại càng khó khăn hơn, nguy cơ mất việc làm cao hơn.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đầu tư vào giáo dục-đào tạo chuyên môn kỹ thuật là vấn đề cốt lõi để thoát khỏi nghèo đói. Những người có học vấn cao, có trình độ sẽ có khả năng tạo thu nhập cao hơn từ lao động và có thể sử dụng tốt hơn lợi ích từ thu nhập này.

Theo Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Vũ Xuân Hùng, việc việc gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, nguyên do đến từ 2 phía. Theo ông Hùng, tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho lao động hiện chiếm rất thấp, tỷ lệ chung là 36,29%, với các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 30,18%. Nếu có, doanh nghiệp thường chọn xu hướng tự đào tạo, chứ ít hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này khiến cho doanh nghiệp ít có đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo lao động cũng như chưa thể hiện được trách nhiệm của mình với hoạt động giáo dục nghề nghiệp nói chung.

[Bình đẳng giới ở Việt Nam: Thách thức còn ở phía trước]

Luật Bình đẳng giới cũng quy định rằng, nam giới và phụ nữ được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, về mặt tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện làm việc, đào tạo và thăng tiến. Tuy nhiên trên thực tế, lao động nữ khu vực phi chính thức hầu như không biết đến các quyền cơ bản của mình, bị lợi dụng và xâm hại. Với tình hình phát triển kinh tế hiện nay, đảm bảo quyền tiếp cận công việc thỏa đáng cho nhóm lao động nữ là một vấn đề đáng quan tâm, cần có cơ sở pháp lý trong xây dựng và thực hiện chính sách.

* Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều nhà khoa học nhận định, lao động nữ ở Việt Nam đứng trước nguy cơ thất nghiệp hàng loạt do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự tác động của cách mạng 4.0. Nếu lao động nữ không thay đổi tư duy trong vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để có cơ hội tìm kiếm những công việc mới thì họ sẽ ngày càng đi vào ngõ cụt. Do đó, họ cần phải tham gia các khóa học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, để có được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đó là chìa khóa để họ mở được cánh cửa việc làm, đặc biệt những việc làm có chất lượng trên thị trường lao động, từ đó góp phần hạn chế những bất bình đẳng trong việc làm.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Thực trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là lao động đào tạo xong (đặc biệt là lao động được đào tạo sơ cấp, thời gian đào tạo dưới 1 năm) thường không tìm được việc làm phù hợp, không đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh cho rằng, cần phải gắn đào tạo cho lao động nữ với tạo việc làm.

Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học nhận định: Nhà nước giữ vai trò trung tâm trong việc định hướng hoạt động đào tạo nghề cho người lao động nói chung và lao động nữ chưa qua đào tạo nói riêng, thực hiện xã hội hóa đa dạng các loại hình giáo dục, đào tạo nghề, đặc biệt lao động nữ chưa qua đào tạo, chưa có việc làm ổn định, thất nghiệp ở khu vực nông thôn để họ dễ dàng tìm kiếm công việc phù hợp; nâng cao trình độ tay nghề, những kỹ năng và tác phong, thái độ mới cho lao động đã có việc làm ở thành thị để bắt kịp với xu thế phát triển.

Để người lao động chưa qua đào tạo, bồi dưỡng có điều kiện tiếp cận và tham gia các chương trình giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí và những điều kiện có liên quan, đặc biệt giúp cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động. Nhà nước hình thành các kênh thông tin chính thống, trung tâm hỗ trợ đa dạng và phong phú, trên cơ sở kết hợp với các mô hình, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để họ có định hướng hoạt động nghề nghiệp đúng cho bản thân từ đó gia tăng cơ hội tìm được việc làm.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, Nhà nước cần phát triển đa dạng mạng lưới các loại hình dịch vụ tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động như: Trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, có sự tham gia của cả giới sử dụng lao động cả trong và ngoài nước và người lao động để giúp người lao động có điều kiện tiếp cận được nguồn thông tin về việc làm và thị trường lao động; giảm thiểu sự bất bình đẳng trong quan hệ việc làm và thu nhập; tạo điều kiện cho lao động nữ tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội; nâng cao nhận thức cho lao động nữ chưa qua đào tạo.

Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng bằng những phương pháp và hình thức đa dạng để góp phần tác động làm thay đổi nhận thức của lao động nữ chưa qua đào tạo, từ đó giúp họ thay đổi thái độ, hành vi hướng tới nâng cao trình độ, tìm kiếm cơ hội cho bản thân trong vấn đề việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, các loại hình dịch vụ và giảm thiểu bất bình đẳng trong cuộc sống gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục