Nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài

Nhằm triển khai các chủ trương, đường lối mà Bộ Chính trị đã đề ra, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.
Nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã có bài viết "Nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới."

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:

"Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp, mở ra một giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn lao, đó là xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc. Để thực hiện hóa được khát vọng đó, Đảng ta đưa ra một tầm nhìn rõ ràng, một lộ trình xuyên suốt từ nay cho tới kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc; đồng thời đề ra các định hướng, chủ trương, giải pháp lớn và nhiệm vụ trọng tâm. Đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng yêu cầu phải được triển khai "toàn diện và mạnh mẽ" để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Xuất phát từ những bài học kinh nghiệm sâu sắc được đúc rút trong quá trình triển khai, trong bối cảnh mới của thế giới, trong nước và cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12). Sự ra đời của Kết luận vào thời điểm này mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa công tác đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Ý nghĩa của việc ban hành Kết luận 12

Một là, Kết luận đã khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có quan hệ gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc và là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân, bao gồm cả trí lực và vật lực của đồng bào ta ở nước ngoài, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hai là, Kết luận cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36) và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 (Chỉ thị 45), góp phần thực hiện toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển ổn định và hòa nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, khơi dậy hơn nữa niềm tự hào, tự tôn dân tộc, duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, ban hành các chính sách phù hợp, tạo điều kiện để bà con có những đóng góp hiệu quả, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

[Đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh để chiến thắng đại dịch COVID-19]

Ba là, Kết luận nhằm tiếp tục thể hiện rõ nét tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài, đáp ứng các nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của kiều bào nhằm tạo ra động lực khích lệ bà con nỗ lực vươn lên, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh và khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi.

Một số yêu cầu mới nhằm tăng cường hiệu quả của công tác người Việt Nam ở nước ngoài

Trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo còn nguyên giá trị của Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, Kết luận 12 đề ra một số yêu cầu, đòi hỏi mới đối với công tác hỗ trợ, thu hút nguồn lực kiều bào và công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.

Một là, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, Đảng và Nhà nước luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài. Song đây là lần đầu tiên một văn bản của Bộ Chính trị chỉ rõ và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là chăm lo cho kiều bào và cách thức thực hiện phải đủ tận tâm, tận lực để bà con cảm nhận và hiểu được tình cảm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước.

Từ "chăm lo" được nhắc lại hai lần trong Kết luận 12 vừa minh chứng rõ nét cho tình cảm và trách nhiệm xuất phát từ "nhân tâm thiên lý" mà Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào ta ở nước ngoài, vừa phản ánh thực tế.

Nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 2Lớp học Tiếng Việt ở Ekaterinburg, Nga. (Ảnh: Dương Trí/Vietnam+)

Đó là với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay, ta đã có đủ thế và lực để chăm lo, tăng cường hỗ trợ cho kiều bào ta ở nước ngoài. Quan điểm chỉ đạo này vừa quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống cho nhân dân vừa phù hợp với mục tiêu xây dựng đất nước hạnh phúc, nhân dân thụ hưởng mà Đại hội Đảng XIII hướng tới.

Hai là tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết. Đại đoàn kết dân tộc luôn là nền tảng, là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài từ trước tới nay. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết chưa đạt được kết quả như mong muốn do có lúc, có nơi, các cấp, ngành, đoàn thể, nhân dân chưa nhận thức thực sự đầy đủ các quan điểm chỉ đạo.

Bên cạnh việc "nâng cao nhận thức," Bộ Chính trị yêu cầu phải tăng cường "ý thức trách nhiệm" bởi có ý thức trách nhiệm, nhận thức mới được chuyển hóa thành hành động cụ thể, tạo ra kết quả cao. Nâng cao ý thức trách nhiệm không chỉ là yêu cầu đặt ra với các cơ quan, đoàn thể, nhân dân trong nước mà còn đối với cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài.

Nói cách khác, bà con là chủ thể quan trọng của công tác đại đoàn kết dân tộc. Có như thế mới tạo ra xung lực lớn để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, phát huy tối đa những điểm đồng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói "đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng lòng... sẽ làm được mọi việc."

Ba là triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào ở nước ngoài, nhất là ở những địa bàn khó khăn. Từ trước tới nay, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai trên nhiều mặt trận nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong cộng đồng kiều bào, song các giải pháp chủ yếu mang tính riêng lẻ, tình thế.

Trước yêu cầu và kỳ vọng cao hơn đối với công tác này, hướng tới các biện pháp mang tính bài bản, dài hạn trong việc chăm lo, hỗ trợ cộng đồng trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị tiếp tục chú trọng và lần đầu tiên đưa nội dung "triển khai các biện pháp tổng thể" vào Kết luận 12 nhằm tạo ra hiệu quả đồng bộ và toàn diện hơn trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Mục tiêu đặt ra là giúp bà con có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại, đồng thời tăng cường hơn nữa việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.

Bốn là khuyến khích và tạo điều kiện để kiều bào đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thu hút nguồn lực kiều bào không phải là nhiệm vụ mới và đã được nêu trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 3Ông David Dương, kiều bào Mỹ, Chủ tịch Công ty California Waste Solutions (CWS) trao tặng 250 máy trợ thở oxy cho Việt Nam. (Ảnh: TTXVN/phát)

Song trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới, nhằm quy tụ và chuyển hóa nguồn lực kiều bào thành nguồn sức mạnh tổng hợp quốc gia, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII yêu cầu: Có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.

Để đạt được điều đó, Kết luận 12 yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.

Năm là đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác thông tin đối ngoại. Nội dung về đổi mới công tác thông tin đối ngoại hướng tới đồng bào ta ở nước ngoài đã được khẳng định trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, song đến Kết luận 12, việc đổi mới đã được cụ thể hóa với ba thành tố chính, đó là nội dung, phương thức và tư duy.

Trong đó, đổi mới tư duy là quan trọng nhất. Về nội dung, cần chú trọng đưa đầy đủ, chính xác thông tin về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật; ngoài ra, phải đưa trúng và đúng những vấn đề mà kiều bào quan tâm, trăn trở. Về phương thức, cách làm cũng cần đổi mới hơn để nhanh hơn, đa dạng hơn và hiệu quả hơn, trong đó phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông của cộng đồng, để kiều bào sử dụng chính ngòi bút của mình, đưa ra những phản ánh khách quan về tình hình đất nước.

Sau Kết luận, nhằm triển khai các chủ trương, đường lối mà Bộ Chính trị đã đề ra, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, trong đó có các nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ, ngành và địa phương.

Trong thời gian tới, với sự vào cuộc tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị cùng đồng bào ta ở trong và ngoài nước, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được triển khai toàn diện, mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả thực chất hơn nữa"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục