Hội thảo “Nâng cao kỹ năng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội.
Sự kiện do Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực gia đình trẻ em và các cơ quan báo chí tham dự.
Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí Vũ Thanh Sơn, năm 1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Nhờ đó công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có những chuyển biến tích cực; trẻ em đã được cải thiện đáng kể về thể chất, trí tuệ, được tạo điều kiện tốt hơn để hưởng các quyền cơ bản của mình…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, đặc biệt đối với trẻ em trong các gia đình nghèo, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng nhau đánh giá những thành công, hạn chế trong công tác truyền thông về quyền trẻ em; trao đổi những sáng kiến, ý tưởng, kinh nghiệm, kỹ năng để làm tốt công tác này trên cơ sở tiếp cận quyền trẻ em; vấn đề đạo đức người làm báo khi tuyên truyền, phản ánh các vụ việc lên quan.
Hội thảo cũng đánh giá hiệu quả phối hợp của các cơ quan truyền thông, báo chí với cơ quan chức năng nhằm tạo ra các chiến dịch, sự kiện truyền thông bảo vệ quyền trẻ em; vấn đề truyền thông với sự tham gia của chính các em và cộng đồng trong việc thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015.
Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 có mục tiêu chung là tạo dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bạo lực; trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tạo cơ hội để trẻ em được tái hòa nhập và bình đẳng về cơ hội phát triển.
Trưởng ban truyền thông Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Nguyễn Thị Lan Minh cho rằng: trong thực tế cuộc sống nói chung và lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em nói riêng, các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng giữ một vị trí, vai trò quan trọng.
>Vì vậy, báo chí, truyền thông nên coi trọng các nhiệm vụ: tuyên truyền quan điểm, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực trẻ em; giám sát việc thực thi quyền trẻ em; cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ quyền trẻ em; tư vấn dịch vụ xã hội; hợp tác, chia sẻ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Để làm tốt các nhiệm vụ đó, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng: các nhà báo tuyên truyền về công tác bảo vệ trẻ em phải đứng trên cơ sở tiếp cận quyền trẻ em, tôn trọng nguyên tắc đạo đức nhà báo và luôn đặt lợi ích tốt nhất cho trẻ em lên trên hết.
Cùng chung quan điểm trên, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Hướng Dương, người từng là nhà báo chuyên viết về vấn đề gia đình, trẻ em chia sẻ: tuyên truyền về bạo lực gia đình, về trẻ em là không đơn giản.
Các nhà báo nên tuyên truyền có mức độ, vừa đảm bảo tính trung thực của báo chí vừa không làm ảnh hưởng đến đối tượng được tuyên truyền. Đặc biệt, trên tinh thần Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, cùng với việc tuyên truyền về bạo lực gia đình, vi phạm quyền trẻ em, người làm truyền thông nên khai thác thêm ở các khía cạnh tốt đẹp trong các mối quan hệ giữa vợ và chồng, người cao tuổi và con cháu, cha mẹ và con cái…/.