Ngày 12/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai tổ chức họp sơ kết dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của càphê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” năm 2023 (Dự án V-SCOPE).
Dự án V-SCOPE được triển khai từ tháng 2/2021 đến tháng 9/2024 tại ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, với sự tham gia của gần 300 nông hộ trồng càphê và hồ tiêu.
Dự án hướng tới nâng cao sinh kế cho các nông hộ nhỏ và cộng đồng nông thôn; hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp sản xuất bền vững; thúc đẩy chuỗi giá trị thị trường thực phẩm nông nghiệp toàn diện thông qua hợp tác với khu vực tư nhân và nông dân.
Dự án có bốn hợp phần chính là cải thiện sức khỏe đất và kiểm soát sâu bệnh từ đất ở các trang trại càphê và hồ tiêu cũng như trong vườn ươm; phương pháp canh tác bền vững và hệ thống trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với bối cảnh khác nhau; cải thiện chuỗi giá trị địa phương tăng cường đối thoại công tư quốc gia; cải thiện các sáng kiến cảnh quan nhiều bên liên quan và chiến lược mở rộng quy mô tăng cường đối thoại công tư ở địa phương.
[Đắk Nông hướng đến chế biến sâu, nâng cao giá trị cho cây càphê]
Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sỹ Estelle Biénabe, Trưởng Dự án V-SCOPE cho biết dự án nhằm nâng cao tính bền vững, năng suất, giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cây càphê, hồ tiêu.
Dự án nhằm giải quyết việc thoái hóa đất, lạm dụng hóa chất và nước; quản lý kém trong trồng xen và đa dạng hóa nông trại; chất lượng càphê Robusta kém và vấn đề an toàn thực phẩm, giá trị thấp, dễ ảnh hưởng bởi giá quốc tế, tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Sau thời gian triển khai, dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Từ tháng 7/2022 đến tháng 8/2023, dự án đã phát hiện những thay đổi quan trọng như mức tưới 400 lít/cây/vụ phù hợp với vườn càphê độc canh; cây càphê được trồng dưới bóng cây ăn quả có mức tiêu thụ nước thấp hơn 20-30% so với điều kiện độc canh; thiết kế các phương pháp thực hành hiệu quả và hệ thống canh tác tích hợp; cải thiện chuỗi giá trị và liên quan đến khía cạnh giới. Bên cạnh đó, dự án đã có các thử nghiệm về tưới tiêu có thể giúp vùng Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp, đại biểu đã nghe những cập nhật, phát hiện quan trọng của từng hợp phần thuộc dự án; thảo luận về chính sách, hiệu quả của dự án...
Ông Nguyễn Văn Long, thành viên nhóm nghiên cứu về sức khỏe đất về càphê và hồ tiêu của dự án cho biết nhóm nghiên cứu đã đạt được một số kết quả nhất định về thử nghiệm một số loại chế phẩm sinh học đang bán trên thị trường mà có khả năng phòng trừ tuyến trùng trên cây càphê trong nhà lưới.
Trong quá trình thu thập 15 chế phẩm sinh học trên cây càphê Robusta tại Tây Nguyên, nhóm chọn ra được 5 loại chế phẩm tiềm năng trong việc giảm tuyến trùng trong đất.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm sẽ triển khai trên thực tế để giúp cho việc canh tác càphê, hồ tiêu bền vững từ đó giảm thiểu nguồn phân bón hóa học vào trong đất…
Ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đánh giá, nông dân địa phương hưởng lợi rất lớn từ dự án. Dự án đã triển khai phân tích sức khỏe của đất để đưa ra khuyến cáo cho bà con nông dân cách bón cân đối những loại dinh dưỡng mà đất đang thiếu.
Đối với các dinh dưỡng đang thừa thì cần hạn chế để tránh gây lãng phí. Do đó, dự án còn khuyến cáo người dân tưới tiết kiệm nước để tiết kiệm và đảm bảo môi trường cho diện tích trồng càphê. Huyện Krông Năng đã tích cực hỗ trợ chuyên gia triển khai các nội dung dự án tại địa phương./.