Nâng cao nhận thức về tác hại uống rượu bia khi điều khiển xe

Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu, bia trong điều khiển phương tiện giao thông sẽ giúp thay đổi nhận thức của chủ xe đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Người tham gia giao thông đã dần quen với việc kiểm tra nồng độ cồn tại các chốt được lập. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên hợp quốc (UNITAR) phối hợp với Câu lạc bộ xe hơi Việt Nam (AA Vietnam), Trường Đại học Giao thông Vận tải và Công ty Pernod Ricard (Công ty toàn cầu sản xuất đồ uống có cồn) vừa khởi động Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam vào chiều 29/6.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới ước tính có 24.970 người tử vong do va chạm giao thông đường bộ, cùng với đó là khoảng 499.400 ca thương tích trầm trọng, dẫn đến thiệt hại khoảng 3 tỷ USD so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Riêng tại Việt Nam, có tới 32% số ca thương tích do va chạm giao thông đường bộ của nam giới và 20% số ca thương tích do va chạm giao thông đường bộ của phụ nữ có liên quan đến bia, rượu.

Ngoài ra, theo một báo cáo của WHO, 34% số ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia, con số này tăng cao vào các ngày lễ, Tết với ước tính 60% nạn nhân tai nạn nhập viện có liên quan đến rượu bia.

Nhằm đóng góp vào việc giải quyết tình trạng này, Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu, bia trong điều khiển phương tiện giao thông sẽ được thực hiện thông qua các lớp đào tạo, chương trình truyền thông, với các công cụ đào tạo như chương trình học được xây dựng trên hệ thống của UNITAR và với một video 360 độ để người học trải nghiệm về tác động của rượu bia đối với hiệu năng lái xe.

[Quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, xây dựng văn hóa giao thông]

Mục tiêu tổng thể của chương trình đào tạo này nhằm góp phần thúc đẩy việc thực hiện an toàn đường bộ toàn cầu của Liên hợp quốc đến năm 2030 giảm một nửa số ca thương tích và tử vong do giao thông đường bộ liên quan đến người lái xe sử dụng rượu bia, hoặc đạt được mức giảm trong số ca thương tích và tử vong liên quan đến các chất kích thích thần kinh khác.

Các đại biểu tham gia khởi động Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam vào chiều 29/6. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chương trình đào tạo gồm bốn hợp phần trực tuyến được thiết kế thân thiện với người sử dụng. Các hợp phần này đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, quy định luật pháp và văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, người học sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản về số liệu thống kê liên quan đến va chạm giao thông đường bộ; tác động của rượu bia đối với hiệu năng lái xe; những rủi ro và hậu quả pháp lý; cũng như trách nhiệm cá nhân đối với việc uống rượu bia và lái xe.

Chương trình đào tạo năm 2023 sẽ được thí điểm tại ba thành phố lớn, bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các học viên sẽ thực hiện bài kiểm tra trước và sau khi học. Kết quả bài kiểm tra sẽ là bằng chứng số liệu quan trọng đối với việc khuyến nghị các cơ quan ban ngành liên quan về triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục xoay quanh nội dung uống rượu bia và lái xe tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục