​‘Nâng lô giao dịch không phải là giải pháp xử lý nghẽn lệnh tại HoSE'

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra chứng tỏ năng lực của sàn giao dịch HoSE đang bị giới hạn và đây mới là vấn đề chính cần tháo gỡ...
​‘Nâng lô giao dịch không phải là giải pháp xử lý nghẽn lệnh tại HoSE' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Vừa qua, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) trao đổi với báo chí việc Sở đã tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tăng lô giao dịch chứng khoán. Theo đó, giải pháp đề ra là sẽ nâng lô giao dịch tối thiểu tại sàn HoSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu nhằm giảm tải lệnh cho hệ thống hiện tại.

Theo ông Trà: “Với tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40%-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Từ đó sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ.”

Tuy nhiên trước thông tin được đưa ra từ lãnh đạo của HoSE, nhiều thành viên thị trường cũng có các ý kiến phản hồi.

Xử lý chưa đi vào vấn đề chính

Theo chuyên gia kinh tế tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong thời gian vừa qua có một số lần thị trường chứng khoán Việt Nam (cụ thể là sàn HoSE) bị nghẽn lệnh do bị quá tải về số lệnh giao dịch trong phiên. Đây không phải là điều bất bình thường bởi những sàn chứng khoán lớn tại Mỹ cũng có những lần bị quá tải về số lượng giao dịch, dẫn đến tình trạng vượt quá khả năng xử lý và truyển tải của hệ thống.

Tổng Giám đốc HOSE nêu giải pháp chống nghẽn lệnh giao dịch

“Cá nhân tôi cho rằng các nhà đầu tư cũng không nên quá quan ngại với vấn đề này. Song, hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra chứng tỏ năng lực của sàn giao dịch HoSE đang bị giới hạn rất nhiều và việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu không phải là giải pháp liên quan đến vấn đề xử lý các sự cố nghẽn lệnh nói trên. Thời gian qua, có rất nhiều thời điểm lệnh giao dịch bị ùn tắc do hệ thống quản lý bị quá tải và dẫn đến hiện tượng bị tắc nghẽn lệnh. Do đó phải nhìn vào đúng thực tế, việc hệ thống không xử lý được mới là vấn đề chính. Từ lâu rồi (khoảng 5 năm trở về trước), tôi đã đề xuất nâng cấp hệ thống kỹ thuật trên hai sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, khi mà lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam càng ngày càng tăng, trong khi năng lực của thị trường đã bị giới hạn,” ông Nguyễn Trí Hiếu trao đổi.

Theo các chuyên gia và thành viên trên thị trường, việc hướng các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào đầu tư chứng chỉ quỹ của các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, qua đó gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường là mục tiêu lâu dài, dựa trên nền tảng phát triển cơ bản của thị trường. Với Việt Nam, thị trường chứng khoán còn non trẻ, sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng rất lớn, như minh chứng từ số liệu từ HoSE cũng cho thấy chỉ cần tăng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu là có thể giảm 40%-50% tổng số lượng lệnh giao dịch.

Một nhà đầu tư lo lắng nếu quy định nâng lô cổ phiếu lên 1.000 đơn vị được thực thi những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ khó tiếp cận được với những cổ phiếu thực sự chất lượng trên sàn HoSE, như VNM, VCB, VHM, MWG… bởi các mã này đều có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/cổ phiếu. Hoặc với số vốn hạn chế, nhà đầu tư nhỏ chỉ có thể mua một loại cổ phiếu cho một danh mục có thể gây ra rủi ro lớn khi công ty bỗng nhiên gặp phải các vấn đề bất ngờ...

Mất cơ hội đầu tư “tích sản”

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội chỉ ra một thực tế là số lượng nhà đầu tư với số vốn nhỏ là tương đối nhiều. Với mức thu nhập từ thấp đến trung bình, họ chỉ có thể để dành vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng để mua cổ phiếu cơ bản tốt (thường có thị giá cao) theo hình thức tích sản đều đặn hàng tháng. Phương thức đầu tư này không quan tâm nhiều đến diễn biến thị trường vì mục tiêu là hướng đến tự do tài chính, tích lũy trong thời gian dài, từ vài năm đến vài chục năm.

“Với quy định nâng lô giao dịch tối thiểu 1.000 cổ phiếu, nhóm nhà đầu tư nhỏ này chỉ có thể lựa chọn mua các cổ phiếu thị giá thấp, cơ bản kém và đây không phải là giải pháp tốt khi thời gian nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Hay, giải pháp khác là không mua cổ phiếu theo tháng mà chuyển sang dành tiền tích góp mua theo năm, đảm bảo danh mục ít nhất từ 3-5 mã để giảm rủi ro, song lại hạn chế do không đảm bảo tính liên tục và đều đặn của quá trình đầu tư tích sản các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng tăng trưởng tích cực,” ông Thắng phân tích.

Bên cạnh đó, về góc độ thị trường, ông Nguyễn Đình Thắng còn chỉ ra việc nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ số lượng nhỏ dưới 1.000 cổ phiếu cho từng mã sẽ trở thành lô lẻ nếu HoSE nâng mức tối thiểu lên 1.000. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư sẽ có xu hướng bán đi lượng cổ phiếu này và gây ảnh hưởng đến xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.

Ở khía cạnh khác, nhà đầu tư có lượng vốn thấp sẽ phải quay sang giao dịch các cổ phiếu thị giá thấp, dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Trên thực tế, đây thường là những cổ phiếu có nền tảng cơ bản không tốt, mang tính đầu cơ cao và điều này cũng tạo ra rủi ro đáng kể cho nhóm nhà đầu tư này.

Thị trường cần đảm bảo tính minh bạch

Ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, Chi nhánh Bà Triệu (Hà Nội) nhấn mạnh việc năng lô giao dịch như trên không bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ đồng thời đi ngược với lợi ích của giới đầu tư cũng như sự phát triển minh bạch của thị trường.

Theo ông Tuyến, nếu việc này được đồng thuận và áp dụng, nhiều nhà đầu tư sẽ rời bỏ hoặc sẽ không tiếp cận được với các cổ phiếu có chất lượng, trị giá cao đồng thời một nguồn tiền có thể chảy sang các cổ phiếu thị giá thấp hoặc các nhóm cổ phiếu cùng vùng mệnh giá trên sàn Hà Nội và UpCoM.

“Sự phát triển của thị trường chứng khoán hiện đại cần thể hiện tính công bằng, minh bạch trong đầu tư cổ phiếu. Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý thị trường luôn chủ trương tạo ra sự công bằng trong đầu tư, vì vậy lô giao dịch 100 cổ phiếu như hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển chung để hầu hết các thành phần nhà đầu tư có thể tham gia vào sự phát triển chung của thị trường. Bên cạnh đó, việc nâng lô lên 1.000 cổ phiếu giúp giảm 40%-50% số lượng lệnh giao dịch cũng không hoàn toàn có sơ sở bởi đây mới là thống kê vật lý và không phải là nguyên nhân chính khiến cho hệ thống nghẽn lệnh như thời gian qua,” ông Tuyến nói.

Chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang HNX để giảm tải hệ thống

Về giải pháp chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn HoSE sang HNX, ông Hiếu cũng cho rằng khó thực thi. Theo ông Hiếu, những cổ phiếu đã niêm yết ở trên sàn nào thì nên giữ nguyên ở đó. Bởi lẽ, rất nhiều nhà đầu tư có thói quen và kinh nghiệm đầu tư theo khu vực sàn hoặc các nhà đầu tư tổ chức sẽ phải điều chỉnh danh mục cổ phiếu rất lớn nếu có sự di chuyển sàn của các mã chứng khoán.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, bắt đầu từ năm 2000 và mới phát triển mạnh trong giai đoạn gần đây. Một thị trường non trẻ cần phải có một nền tảng vững vàng,” ông Hiếu nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục