Nắng nóng đang bủa vây nhiều nước khu vực Nam Á

Bộ trưởng liên bang về biến đổi khí hậu của Pakistan Sherry Rehman đã kêu gọi chính quyền liên bang và các chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đề phòng nắng nóng, vốn lên tới 47 độ C.
Nắng nóng đang bủa vây nhiều nước khu vực Nam Á ảnh 1Pakistan đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. (Nguồn: Reuters)

Nắng nóng đang "bủa vây" nhiều nước khu vực Nam Á. Ngày 29/4, Pakistan đã ban hành cảnh báo nắng nóng sau khi phải hứng chịu tháng 3 nóng nhất trong vòng 61 năm qua. Trong khi đó, nhiều trường học của Ấn Độ đã đóng cửa do nắng nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng liên bang về biến đổi khí hậu của Pakistan Sherry Rehman đã kêu gọi chính quyền liên bang và các chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đề phòng nắng nóng, vốn lên tới 47 độ C tại nhiều nơi.

Bà cho biết nhiệt độ tại Pakistan được dự báo là có thể cao hơn từ 6-8 độ C so với mức nhiệt trung bình. Theo Cục Khí tượng Pakistan, tháng 3 vừa qua vẫn là tháng nóng nhất tại nước này kể từ năm 1961. 

Bộ trưởng Rehman dẫn lời các nhà khoa học cảnh báo hơn 1 tỷ người trên thế giới có nguy cơ chịu các tác động do nắng nóng trong khu vực do biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên Pakistan chuyển từ mùa Đông sang mùa Hè mà không có mùa Xuân. 

Trên khắp khu vực Nam Á, người dân phải tìm kiếm nơi trú nắng nóng. Nắng nóng càng trở nên khắc nghiệt hơn khi nhiều khu vực ở Pakistan và Ấn Độ bị mất điện, một phần do thiếu than đá, sau khi nắng nóng bất thường trong tháng 3 và 4 khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, lạm vào các kho dự trữ. 

Tuần trước, nhiều thành phố của Pakistan đã phải cắt điện lên tới 8 giờ mỗi ngày, trong khi người dân nông thôn chỉ có điện trong nửa ngày. Đáng lo ngại hơn, cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Pakistan cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét ở các khu vực miền Bắc, do nhiệt độ tăng có thể làm tan băng.

[Trung Trung Bộ nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tại Hà Nội 33-35 độ C]

Còn tại Ấn Độ, nhiệt độ cao nhất đo được tại thủ đô New Delhi lên tới 43 độ C, nhiều trạm điện chỉ còn lượng than đủ dùng chưa tới một ngày. Người đứng đầu New Delhi, ông Arvind Kejriwal, thừa nhận: “Tình hình trên toàn Ấn Độ đang rất tồi tệ," đồng thời cảnh báo nguy cơ cắt điện đối với các bệnh viện và hệ thống tàu điện của thành phố.

Nhiều bang của Ấn Độ, trong đó có Rajasthan, Gujarat và Andhra Pradesh đã cắt giảm cung cấp điện cho các khu công nghiệp vì thiếu than tại các nhà máy điện. Ấn Độ cũng hủy một số chuyến tàu chở khách nhằm tăng lượng than cho các nhà máy điện. 

Cơ quan khí tượng Ấn Độ dự báo nắng nóng sẽ vẫn tiếp diễn trong 3 ngày tới. 

Các bác sỹ Ấn Độ cho biết ngày càng nhiều người bị ốm do sốc nhiệt, đồng thời quan ngại nguy cơ đột quỵ. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện do say nắng hoặc các vấn đề liên quan đến nắng nóng. 60-70% bệnh nhân là trẻ em bị nôn mửa, tiêu chảy, suy nhược cùng nhiều triệu chứng khác. 

Tại Odisha, bang miền Đông Ấn Độ, các trường học đã phải đóng cửa, trong khi bang Tây Bengal lân cận phải kéo dài kỳ nghỉ Hè của học sinh thêm vài ngày. 

Nắng nóng còn là nguyên nhân khiến nhiều vụ cháy rừng xảy ra ở bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ trong những tuần qua. 

Giới chuyên gia y tế Ấn Độ thậm chí còn cho rằng quốc gia Nam Á này thậm chí còn quan ngại đợt nắng nóng này hơn làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục