Lãi suất không còn là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp song vẫn có tới 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ "than khó" tiếp cận vốn.
Đa số các ý kiến của doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng nay (25/7) đều bày tỏ mong muốn được tạo nhiều điều kiện để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng đáp ứng đa dạng nhu cầu vốn
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, phân bổ hết room tín dụng, ban hành Thông tư cơ cấu nợ, tung ra các gói tín dụng ưu đãi, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp… Bất chấp những nỗ lực này, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng Sáu chỉ đạt 4,73%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn dẫn tới tín dụng cho sản xuất kinh doanh giảm theo. Do vậy, ngoài cơ chế để khơi thông dòng vốn, thị trường đang cần các chính sách thúc đẩy tài khóa và tiêu dùng.
[Ngân hàng 6 tháng đầu năm: Lãi vay đã giảm tới 3%/năm]
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành, các địa phương, các Hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
"Đến thời điểm này thanh khoản hệ thống dồi dào. Ngoài cung tiền, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo giá vốn rẻ như hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động, lãi suất từ các công cụ của Ngân hàng Nhà nước… Tuy nhiên với nhiều gói được triển khai nhưng tín dụng vẫn tăng chậm," ông Tú nói.
Phó Thống đốc bày tỏ thêm, giảm lãi suất nhưng ngành ngân hàng vẫn phải đảm bảo hài hòa với tỷ giá. Nếu hạ lãi suất quá đà sẽ dẫn tới ảnh hưởng tỷ giá, ảnh hưởng niềm tin, ảnh hưởng nợ quốc gia…
Xung quanh những khó khăn này, tại hội thảo, ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho biết dù đã triển khai rất nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng của SHB nửa đầu năm nay vẫn chậm. Nguyên nhân hoạt động của khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dòng tiền gián đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
“Những tháng cuối năm, SHB tiếp tục tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, số hóa toàn bộ quy trình cho vay để giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng,” ông Dũng cho biết.
Trái ngược với sự "ảm đạm" trên, là một trong nhóm Big4, BIDV là ngân hàng có kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm với tăng trưởng tín dụng đạt 7%, hoàn thành 50% định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước phân giao (14%) cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là 4,73%.
Ông Trần Long - Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết từ đầu năm đến nay BIDV đã 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,1%-1,3%/năm. Bên cạnh đó, BIDV chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5%-2%/năm với quy mô lên tới 253.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp mong muốn điều kiện cho vay linh hoạt
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp đang trong giai đoạn rất khó khăn khi sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đơn hàng giảm sút, nguồn vốn cạn kiệt. Để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nhất là nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để phục hồi.
Theo ông Vân, cùng với những chính sách giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng cũng cần tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Trong đó đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.
Đại diện cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp đúng và trúng tháo gỡ điểm nghẽn vốn cho doanh nghiệp (giảm lãi suất, cơ cấu nợ, đơn giản thủ tục cho vay...), dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 38% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Mặc dù vậy, theo ông Thân, tình hình của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài khó khăn đầu ra, có tới 25% hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.
“Có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng hiện nay vẫn còn tương đối nhiều. Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, một phần nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước vẫn chưa đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn, năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do đó, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp,” Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, do đơn hàng sụt giảm nên một số doanh nghiệp dệt may hoạt động cầm chừng và không dám vay vốn ngân hàng để tránh phải trả lãi suất ngân hàng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết mặc dù ngành ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn. Đối với May 10, là đơn vị uy tín trong ngành, nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, được ngân hàng xếp vào khối doanh nghiệp lớn nhưng do nhu cầu thị trường bị thu hẹp, nên May 10 cũng đã linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm thiểu tối đa vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính.
“Đến khi nào, tình thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra, khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng,” Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay.
Để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, ông Thân cho rằng các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về "sức khỏe" của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.
Trước mắt, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, chẳng hạn tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay. Ngoài ra, chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà không sợ thanh kiểm tra./.