Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có kế hoạch bắt đầu khai thác tài nguyên và khoáng sản từ Mặt trăng trong thập kỷ tới đây, theo thông tin do một nhà khoa học tên lửa thuộc NASA đưa ra .
Phát biểu tại một hội nghị về khai khoáng ở Brisbane, Australia, trong ngày 28/6, Gerald Sanders - người đang làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA, nói rằng sứ mệnh khai thác tài nguyên sẽ sớm được triển khai, ngay khi cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đưa một hệ thống khoan khai thác thử nghiệm lên Mặt trăng.
"Chúng tôi đang cố gắng đầu tư vào giai đoạn thăm dò và thấu hiểu nguồn tài nguyên (Mặt trăng) để giảm thiểu rủi ro và cho thấy rằng hoạt động đầu tư vào môi trường ngoài Trái đất là có cơ sở, sẽ dẫn tới hoạt động phát triển và khai thác," ông nói, cho biết thêm rằng NASA vẫn mới chỉ thực hiện những bước đi rất sơ khai.
Người ta hy vọng rằng bất kỳ tiến bộ nào trong việc khai thác tài nguyên của Mặt trăng sẽ thu hút các hoạt động đầu tư thương mại và qua đó giúp cắt giảm chi phí hơn nữa.
Oxy và nước sẽ là mục tiêu ban đầu và cao nhất của trạm khai thác thử nghiệm, nhằm hỗ trợ sự sống của con người. Sau đó, sắt và các loại đất hiếm khác có thể được tính đến, khi hoạt động khai thác mở rộng hơn.
NASA ước tính Mặt trăng đang có lượng tài nguyên "trị giá hàng trăm tỷ đô la chưa được khai thác”. Không chỉ Mỹ, một số quốc gia khác cũng đang tìm cách khai thác tài nguyên Mặt trăng.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Australia đã có kế hoạch tham gia các nỗ lực khai thác của NASA, trong đó một xe tự hành bán tự động sẽ được dùng để lấy các mẫu đất Mặt trăng có chứa thành phần oxide vào năm 2026. Những oxide này có thể là yếu tố quan trọng, giúp chiết xuất khí oxy từ Mặt trăng.
Samuel Webster, trợ lý giám đốc của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Australia cho biết: “Đây là một bước đi quan trọng để thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên Mặt trăng, cũng như hỗ trợ các sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai."
Đầu năm nay, các nhà khoa học NASA lần đầu tiên chiết xuất thành công oxy từ vật liệu mô phỏng đất Mặt trăng chứa oxide trong môi trường chân không. Theo đó, một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ Johnson đã dùng tia laser công suất cao để tạo ra phản ứng đốt cháy giúp thu lượng oxy đáng kể từ đất chứa oxide.
Công nghệ này được nhóm nghiên cứu mô tả là “bước tiến lớn để giúp xây dựng cơ sở bền vững của con người trên các hành tinh khác”. NASA đã có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm thông qua chương trình Artemis, với các sứ mệnh có người điều khiển đầu tiên dự kiến diễn ra sau năm 2024.
Thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tại nhiệm, chính quyền Mỹ đã đề xuất một khung pháp lý toàn cầu dành cho việc khai thác tài nguyên Mặt Trăng, gọi là Hiệp định Artemis. Thỏa thuận khuyến khích việc khai thác tài nguyên trên Mặt trăng, cũng như các hành tinh khác vì mục đích thương mại.
Hiệp định Artemis được (NASA) cổ suý và có sự ủng hộ từ 19 quốc gia. Tuy nhiên nó lại vấp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc và Nga. Một trong những vấn đề phản đối chính của Trung Quốc đối với Artemis là điều khoản cho phép các quốc gia chỉ định các khu vực trên Mặt trăng là "vùng an toàn" và xác định những khu vực trên bề mặt Mặt trăng mà các quốc gia khác nên tránh.
Trung Quốc và Nga đã rất tích cực hợp tác với nhau nhằm xây một căn cứ Mặt Trăng chung. Trung Quốc cũng không giấu diếm mong muốn khai thác nguồn khoáng sản của Mặt Trăng. Hồi năm 2021, trang tin Asia Times cho biết vài cơ sở nghiên cứu lớn ở Trung Quốc đang xem xét các mẫu đá Mặt Trăng thu được sau nhiệm vụ Thường Nga 5, để nghiên cứu về khả năng Helium-3 trở thành nguồn năng lượng của tương lai, cũng như việc khai thác Helium-3 để mang về Trái đất.
Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống phần tối của Mặt Trăng trong khuôn khổ sứ mệnh Thường Nga 4. Sau đó, tàu vũ trụ của nước này đã có thể gửi mẫu vật thu thập trên Mặt Trăng về Trái đất.
Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa người đến Mặt Trăng trước năm 2030 và sau đó thiết lập trạm nghiên cứu khoa học tại đây./.