NATO cảnh báo Ankara cần tôn trọng đầy đủ pháp luật khi bắt người

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 27/4 đưa ra cảnh báo này trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch bắt giữ người quy mô lớn.
NATO cảnh báo Ankara cần tôn trọng đầy đủ pháp luật khi bắt người ảnh 1Các nghi phạm ám sát Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bị lực lượng chức năng áp giải tới tòa án ở Mugla, miền Nam Thổ Nhĩ kỳ ngày 20/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ phải tôn trọng đầy đủ quy định pháp luật khi tiến hành bắt giữ đối tượng tình nghi phục vụ điều tra vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 27/4 đưa ra cảnh báo này trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch bắt giữ người quy mô lớn.

Phát biểu trước khi tham dự cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Valletta của Malta, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ đất nước và truy tố những đối tượng đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành, song mọi hoạt động của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải nằm trong khuôn khổ luật pháp.

[Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt hơn 800 người liên quan âm mưu đảo chính]

Người đứng đầu NATO cũng cho biết ông đã thảo luận về vấn đề này với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra tuyên bố trên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/4 bắt giữ 1.000 người và đình chỉ công tác hơn 9.000 nhân viên cảnh sát trong chiến dịch mới nhất truy quét các phần tử ủng hộ phong trào của Giáo sỹ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ song bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính nêu trên.

Chiến dịch bắt giữ này xảy ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng, bắt đầu từ ngày 19/4, trong nỗ lực thiết lập lại an ninh tại quốc gia này.

Đây là lần thứ 3 Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài tình trạng khẩn cấp, được ban bố vài ngày sau cuộc đảo chính bất thành.

Tình trạng này cho phép Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể trực tiếp áp đặt các đạo luật mới mà không cần thông qua Quốc hội.

Kể từ sau vụ đảo chính đến nay, hơn 47.000 người đã bị bắt giữ do bị tình nghi có liên quan tới âm mưu đảo chính, trong khi hàng chục nghìn người làm việc trong lĩnh vực công bị sa thải hoặc bị đình chỉ công việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.