NATO coi xu hướng di cư là mối đe dọa an ninh với các nước thành viên

Các thành viên NATO đã nhất trí về Khái niệm Chiến lược mới, trong đó nêu rõ di cư là một nhân tố cần giám sát trong thập kỷ tới, đồng thời chỉ ra rằng khu vực sườn phía Nam là nguồn gốc gây bất ổn.
NATO coi xu hướng di cư là mối đe dọa an ninh với các nước thành viên ảnh 1Người di cư tìm cách vượt biên từ Maroc sang vùng lãnh thổ Melilla của Tây Ban Nha, gần Nador, ngày 4/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/6, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhận định xu hướng di cư quy mô lớn bất thường nằm trong số những mối đe dọa có thể làm suy yếu các nước thành viên của khối.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, các thành viên của khối đã nhất trí về Khái niệm Chiến lược mới, trong đó nêu rõ di cư là một nhân tố cần giám sát trong thập kỷ tới, đồng thời chỉ ra rằng khu vực sườn phía Nam là nguồn gốc gây bất ổn mới.

Văn kiện này nêu rõ tình trạng xung đột, bất ổn tại châu Phi và Trung Đông đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh NATO và an ninh của các đối tác.

[NATO ra tuyên bố chung công bố khái niệm chiến lược mới]

NATO nhất trí rằng các khu vực phía Nam NATO, đặc biệt là Trung Đông, Bắc Phi và vùng Sahel đã đối mặt với các thách thức về an ninh, nhân khẩu học, kinh tế và chính trị do ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài.

Tình hình này đã kéo theo sự xuất hiện của các nhóm vũ trang không thuộc nhà nước, bao gồm các tổ chức khủng bố.

Tuần trước, ít nhất 23 người di cư đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi hàng nghìn người tìm cách vượt biên từ Maroc sang vùng lãnh thổ Melilla của Tây Ban Nha.

Thảm kịch này đã làm dấy lên tranh luận về việc liệu Điều 5 trong Hiệp ước NATO có áp dụng với công tác phòng thủ tại Melilla và vùng lãnh thổ Ceuta của Tây Ban Nha hay không, bởi hai vùng này đều nằm ngoài biên giới mà NATO coi là lãnh thổ của khối.

Do đó, theo nguồn tin từ Chính phủ Tây Ban Nha, Khái niệm Chiến lược mới đã bao gồm cả các vùng lãnh thổ phía Nam Tây Ban Nha này.

Bên cạnh đó, nhằm ứng phó với những thách thức tại vùng Sahel, NATO đã thông qua gói xây dựng năng lực phòng thủ cho Mauritania.

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh Mauritania, quốc gia có chung đường biên giới với Mali bất ổn, sẽ nhận được hỗ trợ về tình báo, các chiến dịch đặc biệt và an ninh hàng hải nhằm giải quyết các mối quan ngại về an ninh, bao gồm xu hướng di cư bất thường và an ninh biên giới.

Cũng liên quan đến vấn đề an ninh của NATO, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Canada vừa ký thỏa thuận nâng cấp đơn vị chiến đấu của NATO do Canada dẫn đầu ở Latvia thành một lữ đoàn.

Tuy nhiên, Chính phủ Canada cho biết còn quá sớm để nói liệu thỏa thuận này có dẫn đến việc triển khai thêm quân của Canada hay không.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận trên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand và người đồng cấp Latvia, Artis Pabriks bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO.

Đơn vị chiến đấu của NATO ở Latvia bao gồm khoảng 2.000 quân, trong đó có 700 người Canada, và là một trong 8 đơn vị chiến đấu của NATO có trụ sở ở Đông Âu.

Các quan chức quốc phòng của Canada và Latvia nhận định đây là bước đi đầu tiên trong một quá trình dài hơn để xác định chính xác quốc gia nào sẽ đóng góp thêm quân và thiết bị mới.

Bà Anand cho biết lữ đoàn mới không chỉ yêu cầu nhiều binh sỹ hơn, mà còn cần bổ sung cả các trang thiết bị và nâng cao năng lực chiến đấu.

Thỏa thuận trên được công bố vài giờ sau khi Tổng thư ký Stoltenberg bày tỏ hy vọng Canada sẽ thực hiện cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng nhu cầu an ninh ngày càng tăng.

Một báo cáo do ông Stoltenberg công bố mới đây dự báo chi tiêu quốc phòng của Canada sẽ giảm xuống mức 1,27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, so với mức 1,32% GDP năm 2021 và 1,42% GDP vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.