NATO đẩy nhanh quy trình gia nhập liên minh quân sự của Ukraine

Các đồng minh NATO đạt đồng thuận về việc gỡ bỏ Kế hoạch Hành động để có tư cách thành viên đối với lộ trình trở thành thành viên của Ukraine.
NATO đẩy nhanh quy trình gia nhập liên minh quân sự của Ukraine ảnh 1Binh sỹ Ukraine làm nhiệm vụ tại vùng Donetsk tháng 10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã quyết định bỏ yêu cầu Kiev phải thực hiện Kế hoạch Hành động để có tư cách thành viên (MAP) như một phần trong quy trình gia nhập liên minh quân sự này.

Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Kuleba nêu rõ: "Sau các cuộc thảo luận tích cực, các đồng minh NATO đạt đồng thuận về việc gỡ bỏ MAP đối với lộ trình trở thành thành viên của Ukraine. Tôi hoan nghênh quyết định được chờ đợi từ lâu này. Quyết định này sẽ rút ngắn con đường của Ukraine gia nhập NATO."

[Tổng thống Mỹ: NATO không đồng thuận về việc kết nạp Ukraine]

MAP là chương trình của NATO mà các ứng cử viên gia nhập liên minh phải tham gia.

Theo quy trình MAP từng áp dụng cho các nước Đông Âu xin vào NATO, bất kỳ quốc gia ứng cử viên nào cũng phải chứng minh đáp ứng một loạt tiêu chí về chính trị, kinh tế và quân sự cũng như có khả năng đóng góp cho các hoạt động quân sự của khối.

Kể từ năm 1999, hầu hết các nước muốn được kết nạp vào NATO đều tuân theo MAP, mặc dù thủ tục này không bắt buộc.

Ví dụ, Phần Lan và Thụy Điển, hai nước từng giữ quan điểm trung lập nhưng hợp tác chặt chẽ với NATO, đã được mời trực tiếp tham gia liên minh mà không cần thực hiện MAP. Do đó, Ukraine đã yêu cầu cũng được hưởng điều kiện tương tự.

Trước đó ngày 9/7, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ James Sullivan cho biết tại hội nghị thượng đỉnh ở Litva, NATO sẽ yêu cầu Ukraine tiếp tục thực hiện các cải cách trước khi có thể gia nhập liên minh này. Đó là các cải cách dân chủ, quốc phòng, kinh tế, chống tham nhũng.

Những cải cách này sẽ thực hiện trong khuôn khổ tham vấn với NATO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.