NATO để các thành viên tự quyết việc Ukraine dùng tên lửa tấn công Nga

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg cho rằng các đồng minh phải tự đưa ra quyết định cụ thể về cách thức sử dụng vũ khí.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg ngày 16/9 cho rằng bất kỳ quyết định cụ thể nào về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga đều phải do từng đồng minh đưa ra.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh LBC, ông Stoltenberg tuyên bố: “Các đồng minh phải tự đưa ra quyết định cụ thể về cách thức sử dụng vũ khí của họ. Các đồng minh có chính sách khác nhau trong vấn đề này."

Trước đó, Reuters đưa tin một quan chức quân sự cấp cao của NATO ngày 14/9 bình luận rằng Ukraine sẽ có lý do quân sự chính đáng để tấn công sâu hơn vào Nga bằng vũ khí của phương Tây.

Tại một cuộc họp Ủy ban Quân sự của NATO - cơ quan có thẩm quyền quân sự cao nhất của liên minh, chủ tịch ủy ban này là Đô đốc Rob Bauer lập luận rằng luật về xung đột vũ trang đã trao cho một quốc gia quyền tự vệ và quyền này không dừng lại ở biên giới của quốc gia đó.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết các quốc gia cung cấp vũ khí cũng có quyền đặt ra những hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí.

Đô đốc Rob Bauer phát biểu: “Về mặt quân sự, có một lý do chính đáng để thực hiện (những cuộc tấn công đó); để làm suy yếu các tuyến hậu cần, nhiên liệu, đạn dược của đối phương phục vụ cho tiền tuyến.”

Bên cạnh đó, ông Rob cũng chia sẻ một nội dung khác của cuộc họp là chính trị, vì các quốc gia cung cấp vũ khí có thể cảm thấy có trách nhiệm với chúng, và những cuộc thảo luận về chính trị đó vẫn đang tiếp tục. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu các đồng minh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa phương Tây, bao gồm ATACMS tầm xa của Mỹ và Storm Shadows của Anh, ở sâu trong lãnh thổ Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.