Ngày 17/8, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi lực lượng Taliban tạo điều kiện cho tất cả những người muốn rời khỏi Afghanistan, đồng thời cho biết tổ chức này đã nhất trí điều thêm các máy bay đến Kabul để phục vụ công tác sơ tán.
Ông Jens Stoltenbergcho biết liên minh này chỉ có hai lựa chọn là rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan hoặc điều thêm binh lính và nối lại các chiến dịch quân sự tại quốc gia này.
Tuy nhiên, cuối cùng NATO lựa chọn phương án rút lui vì thực tế 20 năm can dự tại Afghanistan chỉ ra rằng mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế đều không mang lại những kết quả tốt đẹp và mạnh mẽ hơn khi xét đến các cấu trúc nhà nước Afghanistan. Ông Stoltenberg cũng thông báo đình chỉ mọi hỗ trợ dành cho Chính phủ Afghanistan.
Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh mục đích của NATO ở Afghanistan là để giúp xây dựng một nhà nước hữu hiệu, chứ không phải để duy trì sự hiện diện thường trực ở đó, do đó sự sụp đổ của chính phủ trước lực lượng Taliban sau 20 năm là một bi kịch.
Theo ông, NATO sẽ yêu cầu các nhà cầm quyền mới của quốc gia Tây Nam Á này phải có trách nhiệm tôn trọng các quyền của con người, trong đó có quyền của phụ nữ.
[Tổng thống Mỹ sử dụng quỹ khẩn cấp để hỗ trợ người tị nạn Afghanistan]
Tổng thư ký NATO cũng nhận định quân đội quốc gia Afghanistan thất bại quá nhanh trước đợt tấn công của Taliban là điều bất ngờ, đồng thời chỉ trích giới lãnh đạo Afghanistan đã không thể chống lại Taliban và tìm được giải pháp hòa bình mà người dân nước này luôn mong đợi. Có những bài học mà NATO cần rút ra từ vụ việc này.
Theo ông, việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan sẽ càng khiến chủ nghĩa khủng bố quốc tế trở thành mối đe dọa do đó liên minh quân sự này "cần phải cảnh giác để luôn đi đầu trong cuộc chiến" chống lại mối đe dọa này.
Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh trọng tâm chính hiện nay của NATO là sơ tán những người “dễ bị tổn thương” ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Người đứng đầu NATO kêu gọi Taliban không để Afghanistan trở thành nơi ẩn náu của các tổ chức khủng bố./.