NATO dùng tên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ làm bia trong cuộc tập trận

Thổ Nhĩ Kỳ đã rút 40 binh sỹ nước này khỏi cuộc tập trận của NATO tại Na Uy sau khi hình ảnh của nhà sáng lập nước này Ataturk và tên của Tổng thống Erdogan bị sử dụng làm bia trong cuộc tập trận.
NATO dùng tên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ làm bia trong cuộc tập trận ảnh 1 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ đã rút 40 binh sỹ nước này khỏi cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Na Uy, sau khi bùng phát căng thẳng mới nhất giữa nước này với các đồng minh phương Tây.

Trong bài phát biểu trước các nghị sỹ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền được phát trên truyền hình ngày 17/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận đã ra lệnh cho các binh sỹ rút khỏi cuộc tập trận trên sau sự cố 1 ngày trước đó mà ông cho là xúc phạm đến cá nhân ông và Mustafa Kemal Ataturk - người sáng lập ra nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Tổng thống Erdogan, sự việc xảy ra tại Na Uy khi hình ảnh của nhà sáng lập Ataturk và tên của ông bị sử dụng làm bia trong cuộc tập trận.

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Hulusi Akar, và Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) Omer Celik, đang trên đường đến hội nghị NATO tại Halifax, Canada, đã thông báo cho Tổng thống Erdogan về sự việc trên.

[Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất việc mua tên lửa đất đối không S-400 của Nga]

Nhà lãnh đạo Ankara coi động thái này là không thể chấp nhận được, đồng thời tuyên bố rút binh sỹ kể cả khi những cái tên này bị gỡ bỏ và nhấn mạnh "không thể tồn tại một mối liên minh kiểu này".

Cuộc tập trận đa quốc gia của NATO do Na Uy chủ trì đã diễn ra từ ngày 1-18/11.

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của NATO vào năm 1952. Mặc dù là thành viên quan trọng của liên minh quân sự này, song trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa hai bên đã leo thang liên quan đến cuộc truy quét các thành viên dính líu đến cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, và mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa nước này và Nga.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã khiến các đồng minh phương Tây quan ngại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.